Thắng lợi từ cuộc bầu cử QH đầu tiên
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa ra đời phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách thù trong, giặc ngoài, giặc đói, giặc dốt… Nhằm củng cố và xây dựng chính quyền cách mạng vững mạnh, ngày 8.9.1945 Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa đã ra Sắc lệnh số 14-SL khẳng định yêu cầu bức thiết của Tổng tuyển cử bầu Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức.
Ngày 5/1/1946, trước ngày bầu cử một ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu. Bằng ý chí sắt đá của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do vừa giành được và bằng cả niềm vui sướng, háo hức chuẩn bị chờ đợi bấy lâu nay, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn cho ngày lịch sử vĩ đại - ngày 6.1.1946 toàn dân đi bỏ phiếu.
Tại Hà Nội, trung tâm của cả nước, nơi có Chủ tịch Hồ Chí Minh ra ứng cử, nhân dân Thủ đô đã hăng hái tham gia Tổng tuyển cử bất chấp sự phá hoại của kẻ thù. Cuộc Tổng tuyển cử ở Hà Nội diễn ra tràn đầy phấn khởi và được chuẩn bị tổ chức chu đáo. Hàng chục vạn cử tri Thủ đô đi làm nghĩa vụ công dân. Nhiều địa phương trong cả nước, cử tri đã nô nức đi bầu cử.
Ở các địa phương khác trong cả nước, cuộc Tổng tuyển cử cũng được tiến hành sôi nổi. Riêng các tỉnh phía Bắc, mặc dầu phải đối phó với âm mưu phá hoại hết sức tinh vi và trắng trợn của kẻ thù, nhưng nói chung Tổng tuyển cử diễn ra an toàn.
Đặc biệt ở các tỉnh phía Nam, nhất là Nam Bộ, cuộc bầu cử đã diễn ra dưới bom đạn rất ác liệt của kẻ thù. Ngay từ cuối tháng 10/1945, sau khi được tăng cường lực lượng, thực dân Pháp đã phá được vòng vây đánh rộng ra khắp các tỉnh Nam bộ. Nhân dân miền Nam đi bỏ phiếu bầu Quốc hội lúc này là thể hiện ý chí độc lập thống nhất, kiên quyết kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh, bảo vệ tính thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam.
Vì vậy, nhân dân đi bỏ phiếu rất đông, bất chấp bom đạn của giặc Pháp. Nhiều nơi nhân dân phải đổi cả xương máu để thực hiện quyền tự do, dân chủ của mình. Tại Sài Gòn - Chợ lớn, quân Pháp đã chiếm toàn bộ thành phố và các vùng xung quanh. Tiếng súng kháng chiến vẫn tiếp tục nổ ra dưới nhiều hình thức như diệt tề trừ gian, tập kích, đốt phá kho tàng của địch... Tổng tuyển cử ở đây đã diễn ra dưới sự lùng ráp khủng bố gay gắt của kẻ thù. Ủy ban hành chính thành phố mặc dầu phải chuyển ra ngoại ô phía Tây Nam nhưng vẫn bám sát chỉ đạo nhân dân nội thành và ngoại thành tiến hành Tổng tuyển cử…
Mặc dù diễn ra trong tình hình trong nước rất căng thẳng nhưng cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã được tổ chức thành công, hơn 90% cử tri - người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên trong cả nước đã nô nức đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội I, thực hiện quyền làm chủ của mình. Cả nước đã bầu 333 đại biểu vào Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó, có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 43% không đảng phái, 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu phụ nữ và 34 đại biểu các dân tộc thiểu số. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất là 98,4%.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử tháng ngày 6.1.1946 đánh dấu mốc phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam. Tổng tuyển cử là thể hiện lòng yêu nước, là kháng chiến kiến quốc, là xây dựng chế độ mới. Thắng lợi Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra triển vọng của một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ, và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Thắng lợi Tổng tuyển cử đã khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta.
Và hòm phiếu “lịch sử”
Trải qua 70 năm, nhưng chúng ta vẫn không thể quên được không khí của một cuộc bầu cử đặc biệt ấy. Những người trẻ của chúng ta thế hệ hôm nay trở về với lịch sử bởi những câu chuyện kể bởi các nhân chứng lịch sử và cả những hiện vật quý gắn với một thời điểm lịch sử đặc biệt.
Tại Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam, trên hệ thống trưng bày phần Lịch sử cận hiện đại, tại phòng số 9 trưng bày một hiện vật có liên quan đến cuộc bầu cử QH khóa I. Đó là Hòm phiếu của nhân dân xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình dùng để bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I, ngày 6.1.1946.
Đây là chiếc hòm gỗ hình chữ nhật, để mộc không sơn đơn sơ, giản dị. Chị Trịnh Thị Hòa, cán bộ Phòng Giáo dục Công chúng, Bảo Tàng lịch sử Quốc gia cho biết, chiếc hòm có chiều dài 37cm, rộng 20,5cm và cao 22 cm. Hòm phiếu đặc biệt này được sưu tầm về bảo tàng từ gia đình cụ Hoàng Học ở xóm Thanh Long, xã Thanh Hóa, Quảng Bình.
Cụ kể lại: hôm đó, nhân dân xã Thanh Hóa lần đầu tiên bỏ lá phiếu của mình vào thùng phiếu này để bầu đại biểu Quốc hội ở địa phương. Trong hoàn cảnh kháng chiến ở Quảng Bình, những hòm phiếu khác đều bị thất lạc, riêng cụ đã có ý thức giữ lại hòm phiếu này và bảo quản trong vòng 10 năm và đến ngày 8.7.1956 thì trao tặng Hòm phiếu đó cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Là người làm công tác bảo tảng, chị Hòa cho rằng, dù chiếc hòm gỗ là hiện vật đơn giản nhưng có một ý nghĩa lịch sử rất lớn lao, đó là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử nước nhà, dấu mốc về thắng lợi của một cuộc bầu cử QH đầu tiên, cuộc bầu cử của tự do, của độc lập.
Là một địa phương mà cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, tiến hành bầu cử trong lúc phải đối phó với âm mưu phá hoại cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên từ phía thực dân Pháp và bọn Việt gian thì việc gìn giữ chiếc hòm phiếu lịch sử của người dân Quảng Bình càng trở nên trân quý hơn bao giờ hết. Bởi, người dân Quảng Bình nói chung, người dân miền Trung nói riêng luôn có niềm tin sâu sắc với Đảng, với Chính phủ và Bác Hồ.
70 năm trôi qua kể từ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, đến nay đã 13 lần và ngày 22.5 tới sẽ là lần thứ 14 cử tri vinh dự thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của người dân một nước tự do, độc lập. Chiếc hòm phiếu gỗ được lưu giữ lại chính là minh chứng sống động về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu QH Khóa I tại Quảng Bình. Chiếc hòm phiếu cũng gợi nhắc chúng ta nhớ lại ngày 6.1.1946, một ngày vẻ vang trong lịch sử Quốc hội nước nhà, ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Theo Đại biểu nhân dân