Các chuyên gia tư vấn và quản lý dự án đầu tư nước ngoài (FDI) khuyến nghị, Việt Nam cần phải có biện pháp để ngăn chặn những dự án có công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường, tiêu tốn tài nguyên quốc gia.
Những lĩnh vực nên tạm dừng cấp phép
GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, có ba lĩnh vực có thể xem xét tạm dừng cấp phép. Thứ nhất là các dự án lọc dầu, bởi hiện các dự án lọc dầu được cấp phép đã có công suất lên tới 50 - 60 triệu tấn. Theo tính toán của quốc tế, sản xuất lọc hóa dầu thì tỉ suất lợi nhuận cũng chỉ 10%, trong khi diện tích chiếm đất rất lớn. Ví dụ một dự án lọc dầu công suất 6 - 10 triệu tấn sẽ cần diện tích đất tới hàng nghìn ha.
Suất đầu tư cao, diện tích chiếm đất lớn nhưng các loại dự án này chỉ sử dụng từ 8 - 10 nghìn lao động. Xét trong thời đại kinh tế tri thức, khoa học công nghệ hiện nay thu hút lĩnh vực này là chưa hiệu quả. Chỉ cần so sánh với dự án của Samsung, với mức đầu tư 3 tỉ USD nhưng dự án chỉ cần 100 ha đất nhưng đã sử dụng 43.500 lao động với mức lương bình quân 11 triệu đồng/tháng. Khi so sánh như vậy mới rõ ràng thiệt hơn trong việc định hướng thu hút các dự án FDI trong thời gian tới.
Thứ hai là dự án sản xuất xi măng. Cho đến nay, công suất sản xuất đã lên tới 65 - 70 triệu tấn, xi măng dư thừa đã phải xuất khẩu. Vấn đề là để sản xuất 65 - 70 triệu tấn xi măng cần tới 100 triệu tấn đá vôi. Với tốc độ tiêu tốn nguyên liệu này thì cứ 10 năm nước ta mất 1 tỉ tấn đá vôi. Chưa cơ quan nào đánh giá những thiệt hại trong việc mất mát tài nguyên này. Chưa kể, các dự án sản xuất xi măng đang gây ô nhiễm môi trường? “Nếu tính toán kỹ, cộng cả chi phí môi trường thì xuất khẩu xi măng cũng chẳng có lãi”, GS Mại nói.
Loại dự án thứ ba nên dừng là dự án sản xuất sắt thép. Hiện năng lượng của Việt Nam cung chưa đủ cầu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm nào cũng phải đầu tư để tăng 12 - 13% sản lượng điện. Trong khi vốn đầu tư vào sản xuất điện năng vô cùng tốn kém. Với tất cả các loại dự án sản xuất thép hiện nay, nếu tính toán đúng chi phí điện năng, môi trường, sử dụng đất... thì lĩnh vực này chưa chắc đã có lợi cho nền kinh tế.
Cuối cùng là các dự án dệt nhuộm. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), các dự án xin cấp phép đầu tư đến năm 2020 đã đạt 2,5 tỉ USD. Chủ yếu đến từ các nhà đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan và Hồng Kông)... Theo các chuyên gia FDI, nguy cơ nhất đối với các dự án dệt nhuộm là chất thải, nước thải xả ra không đảm bảo an toàn cho môi trường.
Có thể dùng hàng rào kỹ thuật
Trao đổi vấn đề trên, ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho rằng, Việt Nam đã tham gia các hiệp định đối tác kinh tế đa phương, song phương nên cần tuân thủ những cam kết trong các hiệp định trong đó có cam kết minh bạch. Nghĩa là, Việt Nam muốn hạn chế đầu tư, kinh doanh ở lĩnh vực nào đó trên lãnh thổ thì cần phải có những cơ sở thuyết phục. Ví dụ, việc sử dụng hàng rào kỹ thuật là quyền của mỗi quốc gia nhưng hàng rào ấy phải đáp ứng các tiêu chí là không gây ra tình trạng phân biệt đối xử, thiếu công bằng, tức là chỉ áp dụng đối với dự án của quốc gia này mà không áp dụng cho dự án của quốc gia khác. Thứ hai là khi Việt Nam hội nhập, phải đối diện với thực tế là có các dự án FDI dù không muốn nhưng các nhà đầu tư vẫn đăng ký đầu tư. “Trong bối cảnh này, giải pháp mà chúng ta có thể đưa ra được, trong khi vẫn tuân thủ đúng cam kết quốc tế thì đó là xây dựng các hàng rào kỹ thuật thật tốt”, ông Quang nói.
Vẫn theo ông Quang, những tiêu chí có thể dựa vào để xây dựng hàng rào thứ nhất là vấn đề liên quan đến an ninh, chủ quyền quốc gia. Thứ hai là vấn đề môi trường, nếu ta muốn loại trừ các dự án công nghệ kém thì ta phải đưa ra tiêu chuẩn môi trường cao. Trong tiêu chí môi trường bao gồm cả việc gây ảnh hưởng lãng phí tài nguyên thiên nhiên. Ví dụ, làm ra một tấn thép thì chất thải và nguyên liệu, năng lượng tiêu tốn chỉ ở mức định lượng nhất định, công nghệ sản xuất vượt quy định đó thì không được chấp nhận. Tiêu chuẩn thứ ba có thể dựa vào là quy hoạch, ví dụ quy hoạch đất đai. Đất ở khu vực có thể sử dụng hiệu quả hơn cho các dự án sạch thì không thể cho phép các dự án gây ô nhiễm vào đầu tư. Hoặc dựa vào quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch Quốc gia... khi công suất, sản lượng của lĩnh vực sản xuất, dịch vụ đã đủ hoặc thừa thì có thể quy định dừng cấp phép tiếp.
Ngoài ra có thể áp dụng các quy định khác như vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện an toàn lao động, phúc lợi người lao động... Với việc dựng hàng rào kỹ thuật nêu trên sẽ giúp Việt Nam lựa chọn được dự án tốt, công nghệ cao, phục vụ hiệu quả cho chương trình tái cơ cấu kinh tế quốc gia.
“Thời gian tới sẽ không thu hút FDI bằng mọi giá. Việc thu hút FDI phải chọn lọc các dự án để hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu kinh tế, dự án có công nghệ tốt, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tăng cường xuất khẩu và đảm bảo thanh khoản ngoại tệ của quốc gia. Phải có giải pháp thu hút đầu tư ở trình độ cao hơn, không để xảy ra tình trạng một đất nước hai nền kinh tế, một bên là các doanh nghiệp FDI và một bên là doanh nghiệp trong nước”. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài tại hội nghị 6 tháng đầu năm 2016, tại Bộ KH&ĐT |
Theo baotintuc