(Baonghean.vn) - Theo các doanh nghiệp XKLĐ, thì tại Nghệ An đang có tình trạng cán bộ xã gây khó khăn trong xác nhận lý lịch cho người đi xuất khẩu lao động,là một trong những rào cản đối với công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn.

Đó là thông tin được đại diện 2 đơn vị: Chi nhánh số 1, Công ty Cổ phần XNK CIP.CO và Văn phòng đại diện tại Nghệ An của Công ty CP Dịch vụ thương mại và xuất khẩu lao động Trường Sơn (COOPIMEX JSC) đưa ra tại cuộc làm việc với Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh sáng 8/9 theo chương trình giám sát việc thực hiện một số chính sách xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh.

1504855433248.jpgĐoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh nghe doanh nghiệp trao đổi một số khó khăn, vướng mắc trong công tác XKLĐ. Ảnh: Mai Hoa

Theo đại diện của 2 doanh nghiệp này, lý do mà các địa phương đưa ra để từ chối việc xác nhận lý lịch là do doanh nghiệp không về địa phương và chưa được địa phương đồng ý cho phép tuyển dụng trên địa bàn. Chính quyền một số cơ sở cho rằng, muốn tuyển dụng lao động thì phải có giấy phép của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội giới thiệu về huyện và huyện giới thiệu về xã.

Cũng theo đại diện 2 đơn vị này, thì khi doanh nghiệp được cấp phép và “phân vùng” địa bàn tuyển dụng, nghĩa là doanh nghiệp được phép tuyển dụng lao động ở tất cả các xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thành, thị xã được cấp phép, “phân vùng”, chứ không phải mỗi huyện, mỗi xã đều có giấy phép, giấy giới thiệu cụ thể.

Bà Nguyễn Thị Kim - Phó Giám đốc Chi nhánh số 1, Công ty Cổ phần XNK CIP.CO, cho biết, thường những lao động gặp khó khăn trong việc xác nhận lý lịch là những lao động trực tiếp đăng ký và làm các thủ tục tuyển dụng tại doanh nghiệp mà không qua khâu trung gian là đội ngũ cộng tác viên, người môi giới xuất khẩu lao động.

Một lớp học tiếng Nhật của người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Ảnh tư liệu

Với ông Nguyễn Lê Thắng - Trưởng Văn phòng đại diện Công ty COOPIMEX JSC, việc được xác nhận lý lịch là một trong những quyền cơ bản của công dân, không có lý do gì mà tước đi quyền đó của người dân. Mặt khác, chính điều này cũng đang là rào cản cho công tác xuất khẩu lao động; không chỉ gây phiền hà cho người lao động mà cho cả doanh nghiệp, bởi khi có những trường hợp như thế này thì đích thân đại diện doanh nghiệp phải về tận cơ sở để tháo gỡ cùng với người lao động, nhất là địa bàn miền núi, vùng dân tộc, địa bàn xa, đi lại khó khăn.

Cũng theo ông Thắng, ngoài vấn đề nêu trên thì vẫn đang còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, “tạo cơ chế ảo” của một số doanh nghiệp đối với chính quyền sở tại nhằm tạo sự “độc quyền” trong tuyển dụng lao động, gây khó khăn cho một số doanh nghiệp khác.

Người lao động tìm hiểu thông tin thị trường xuất khẩu lao động tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh. Ảnh tư liệu

Ngoài vấn đề được 2 doanh nghiệp nêu trên, thông qua giám sát, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh nhận thấy một thực tế, cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhân sự  của các đơn vị đại diện chưa đảm bảo; cho nên, việc tuyên truyền, tuyển dụng người lao động đi xuất khẩu lao động đang chủ yếu dựa vào đội ngũ công tác viên, người môi giới, trong khi đó chưa có cơ chế giám sát đội ngũ này liên quan đến việc thu các khoản chi phí từ người lao động, mới chỉ giám sát thông qua phiếu thu phí xuất cảnh.

Mặt khác, các doanh nghiệp cũng chưa thật sự mặn mà trong triển khai để đảm bảo các điều kiện hưởng các chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động.

Từ các vấn đề đặt ra, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh đã đề nghị các đơn vị tập trung quan tâm, khắc phục, nhằm đảm bảo uy tín của công ty, góp phần thúc đẩy và nâng cao hiệu quả công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh.

Minh Chi

TIN LIÊN QUAN