Cán bộ quyết tâm, người dân đồng thuận

(Baonghean) - Triển khai thực hiện Đề án số 14 ĐA/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về “Xây dựng mô hình, điển hình công tác dân vận khối nông thôn”, với nhiều cách làm sáng tạo, Tân Kỳ không chỉ đưa công tác dân vận đi vào chiều sâu mà còn góp phần huy động có hiệu quả nguồn lực xây dựng hạ tầng nông thôn. Đến nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng được một số mô hình, điển hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương…
Người dân xã Tân Phú chặt cây, hiến đất làm đường nông thôn mới.
Người dân xã Tân Phú chặt cây, hiến đất làm đường nông thôn mới.
Nghĩa Bình, một trong những xã thuần nông của huyện Tân Kỳ, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, điều kiện địa hình, địa chất không mấy thuận lợi, mùa nắng thì khô hạn, mùa mưa thì thường xuyên ngập lụt. Xã có diện tích đất bãi ven sông khá lớn nhưng do thiếu nước tưới nên thường trồng các loại cây có giá trị kinh tế không cao và khó chuyển đổi cơ cấu. Việc vận động nhân dân mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những ưu tiên của cấp ủy chính quyền địa phương. Giữa năm 2013, Nghĩa Bình được chọn là 1 trong 2 xã liên doanh với một doanh nghiệp thuê đất trồng thí điểm các loại cây có giá trị kinh tế cao. Dự kiến ban đầu, doanh nghiệp cần 150 ha đất để trồng khoai lang Nhật, ớt cay xanh Ấn Độ, hành và ngưu bàng – một loại cây dược liệu. 
Tuy nhiên, khó khăn là hầu hết đất đã giao cho người dân sử dụng lâu dài nên muốn có đất cho nhà đầu tư thuê thì phải được sự đồng ý của chính người dân. Để triển khai dự án, UBND huyện giao cho phòng Nông nghiệp phối hợp với xã tuyên truyền vận động nhân dân tham gia dự án. Trên cơ sở nắm vững những nội dung của dự án liên doanh, lãnh đạo xã trực tiếp về dự họp với các xóm để lắng nghe ý kiến phản hồi của dân và giải đáp các thắc mắc. Ban đầu người dân rất băn khoăn và lưỡng lự, vì thuê 1 năm thì nhà đầu tư chỉ thuê 6 tháng/năm, hơn nữa giá thuê là 11 triệu đồng/ha (550 ngàn đồng/sào) nên nhiều hộ không muốn cho thuê.
Cùng với tuyên truyền, vận động, huyện và xã hỗ trợ thêm 3 triệu/ha, như vậy trên mỗi ha cho thuê đất, người dân được trả 14 triệu đồng/ha. Dần dần người dân cũng thông tư tưởng, làm quen với sản xuất chuyên canh công nghiệp. Góp vào thành công đó là nhờ tinh thần “đi trước nêu gương” của các đảng viên: Đặng Thiên Hương, Bí thư chi bộ xóm 4; Đào Ngọc Hoa, Bí thư chi bộ xóm 5 và Tạ Quang Hợi, Bí thư chi bộ xóm 6 đã gương mẫu, vận động gia đình giao đất cho nhà đầu tư thuê sản xuất. Sau 1 tháng, có 300 hộ của các xóm 4, 5, 6 đồng ý cho thuê đất, tổng diện tích là 31,5 ha. Đến nay, trong tổng số 31,5 ha, nhà đầu tư đã trồng 4 ha khoai lang Nhật, 12 ha ớt cay Ấn Độ, 10 ha cây ngưu bàng và  5,5 ha hành. Các hộ dân, ngoài được hưởng tiền thuê đất giá trị 700 ngàn đồng/sào, thì con còn tham gia lao động trực tiếp do doanh nghiệp với số lượng khoảng 50 lao động, mỗi ngày công từ 120 – 240 ngàn đồng/người.
Ông Trần Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình cho biết: dự án mới triển khai được gần 6 tháng nhưng đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân địa phương. Thông qua làm thuê cho doanh nghiệp, người dân học được từ cách đầu tư hệ thống bơm tưới nước, xuống giống, cho đến chăm sóc, thu hái… theo quy trình rất chặt chẽ, chuyên nghiệp. Hiện tại, ớt cay xanh đã cho thu hoạch 4 ngày/lứa, đều được doanh nghiệp đóng hộp đưa ra bán ở nước ngoài.
Có thể nói, việc một doanh nghiệp thuê đất để trồng trọt theo công nghệ cao và sử dụng lao động địa phương đã gợi mở hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở nông thôn. Từ kết quả trên, người dân tin tưởng và đang tiếp tục đề nghị xã, huyện có kế hoạch tiếp xúc với doanh nghiệp làm ăn lâu dài hơn, gia hạn hợp đồng, mở rộng thêm diện tích hoặc chuyển giao công nghệ cho nông dân.
Cùng điều kiện bán sơn địa như Nghĩa Bình, nhưng khó khăn nhất của xã Nghĩa Hợp là hệ thống giao thông rất yếu kém, toàn xã chưa có đường nhựa và bê tông, đường sá chật chội và không theo quy hoạch. Chính vì vậy, khi triển khai xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ và chính quyền xã xác định làm đường giao thông là ưu tiên trọng tâm, tạo bước “ đột phá” để phát triển kinh tế - xã hội. Do không phải là xã điểm, đồng nghĩa với không có sự hỗ trợ của cấp trên nên xã phải huy động nội lực là chính. Sau khi chọn xóm 2 làm mô hình điểm, xã thành lập Ban chỉ đạo và tuyên truyền vận động người dân đồng thuận tích cực tham gia hiến đất, đóng góp làm đường. Nhờ triển khai đồng bộ, hợp lý đúng quy trình nên các hộ dân đồng thuận cao, đã thực hiện phóng tuyến, làm được 2,6 km theo chuẩn cấp phối, tổng kinh phí gần 800 triệu đồng. Đây là con đường hoàn toàn bằng sức dân. Đặc biệt, một số hộ dân từ chối nhận tiền hỗ trợ GPMB từ các doanh nghiệp, tình nguyện giành số tiền trên cho xã xây cống thoát nước, góp phần hoàn thiện con đường… Đồng chí Chu Văn Lĩnh - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Hợp cho hay: Từ kinh nghiệm tổ chức dân vận làm giao thông năm 2013, xã đang tiếp tục nhân rộng mô hình ra xóm khác; đặc biệt nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ đảng viên để người dân noi theo…
Cũng là câu chuyện vận động nhân dân làm nông thôn mới nhưng ở xã Tân Phú lại có cách làm khá sáng tạo. Theo kế hoạch ban đầu, kinh phí hỗ trợ làm giao thông năm 2013 xã dành cho 4/12 xóm. Tân Phú đưa ra cơ chế sẽ hỗ trợ kịp thời đối với những xóm có tiến độ, phong trào tốt thì xã sẽ ưu tiên làm trước. Đồng thời tiếp tục vận động nhân dân các xóm khác hiến đất, góp tiền để làm đường theo đúng tiêu chuẩn đề ra. Nhờ sự điều chỉnh kịp thời và sáng tạo này, chỉ trong vòng 2 tháng con đường bê tông dài hơn 4 km trị giá hơn 2 tỷ đồng (bình quân mỗi hộ đóng góp hơn 2 triệu đồng) theo chuẩn nông thôn mới từ xóm Tân Lương đi Đức Thịnh được hoàn thành, tạo ra diện mạo mới cho vùng nông thôn. 
Từ thực tế các mô hình về vận động nhân dân phát triển kinh tế tại Nghĩa Bình, đến vận động tạo đồng thuận trong xây dựng nông thôn mới hiệu quả ở Nghĩa Hợp hay Tân Phú đã góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn, trở thành những mô hình điểm, nhân ra diện rộng. Đồng chí Đào Văn Minh, Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Tân Kỳ cho biết: Một trong những điều đáng quý ở các mô hình trên là đã khắc phục được tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của cấp trên; từ thực tiễn địa phương mình, có những biện pháp chủ động phát huy nội lực để hoàn thành mục tiêu đề ra, làm cơ sở, kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình tiếp theo.
Nguyễn Hải

Tin mới