(Baonghean) - Trung Sơn là xã thuộc vùng chiêm trũng của huyện Đô Lương. Do địa hình  bao gồm cả bãi bồi, vùng thường xuyên bị ngập lụt và ruộng đất bậc thang, bạc màu nên vùng đất canh tác của xã có nhiều hạng đất chênh lệch nhau. Bởi vậy người được giao ở vùng đất tốt thì có tâm lý muốn giữ mãi còn vùng đất xấu thì không ai muốn nhận. Đây cũng là lý do Trung Sơn chưa được huyện Đô Lương đưa vào điểm chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU của BTV Tỉnh ủy về dồn điền, đổi thửa cũng như xã điểm về xây dựng Nông thôn mới.

Tuy vậy, nhận thấy đây là một chủ trương đúng và hợp lòng dân, lãnh đạo xã đã đặt ra quyết tâm phải thực hiện cho bằng được. Sau khi tiếp thu tinh thần chỉ thị của tỉnh và huyện, Ban Chấp hành Đảng ủy xã Trung Sơn đã họp bàn và ra nghị quyết về dồn điền, đổi thửa, tiếp đó giao cho HĐND và UBND xã xây dựng chương trình hành động và các kế hoạch, đề án thực hiện. Tuy nhiên, quá trình thảo luận xây dựng đề án nảy sinh một vấn đề, đó là lấy đơn vị chuyển đổi từng đơn vị xóm hay đơn vị xã? Từ kinh nghiệm chỉ đạo chuyển đổi ruộng đất trước đây, lãnh đạo địa phương thấy rằng nếu lấy đơn vị chuyển đổi là cấp xóm và động viên các hộ tự chuyển đất cho nhau thì sẽ khó thành công và không giải quyết được tận gốc rễ của vấn đề.

Mương tưới cho 3 xã vùng trũng Đà -Trung - Thuận Sơn đang được nâng cấp.

Từ nhận thức đó, sau khi thảo luận và lấy ý kiến nhân dân, Ban Chấp hành Đảng bộ xã quyết định lấy đơn vị chuyển đổi là toàn xã, theo đó sẽ thu hồi lại toàn bộ diện tích đất để giao lại cho dân theo hướng “thuận canh, thuận cư”, tức là cánh đồng gần xóm nào thì trước hết giao cho người dân xóm đó canh tác, sau đó nếu thừa diện tích mới giao cho xóm khác gần hơn. Bên cạnh đó, xã xác định diện tích đất sản xuất ổn định, màu mỡ được đưa vào cân đối chia đất lâu dài cho dân theo Nghị định 64/CP; diện tích đất cưỡng, bạc màu, thiếu nước tưới thì đưa vào đất 5% để cân đối cho một số xóm và người dân có nhu cầu đất sản xuất nhận khoán.

Trên cơ sở quyết nghị của xã, từng cấp ủy, ban cán sự xóm tiếp tục họp bàn để xây dựng đề án chuyển đổi đất cho từng xóm mình. Quá trình xây dựng kế hoạch chuyển đổi cũng như tổ chức kiểm kê đất có rất nhiều vấn đề nảy sinh. Vì vậy, trong vòng mấy tháng ròng, người dân thường chứng kiến những buổi họp của Thường vụ Đảng ủy xã với cấp ủy, cán sự kéo dài từ đầu hôm có khi đến 1 – 2 giờ sáng để bàn bạc, tính toán, từng phương án chia đất tại từng xóm sao cho phù hợp nhất.

Không chỉ tham gia thảo luận họp bàn, một số cán bộ, đảng viên cốt cán xã, xóm như đồng chí Lê Xuân Toản, Trưởng Công an xã, Nguyễn Hữu Thanh, Xóm trưởng xóm 4… còn gương mẫu đứng ra nhận phần đất hạng thấp gần gia đình mình để đầu tư cải tạo, thiết kế lại cho bà con noi theo.

Chứng kiến trách nhiệm và sự cần mẫn trên của lãnh đạo xã, sự công tâm, khách quan của ban cán sự xóm và sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người dân từ chỗ chưa thực sự tin tưởng đã hoàn toàn thống nhất với chủ trương dồn điền, đổi thửa của xã. Nhiều hộ trước đây còn băn khoăn nghi ngại vì chuyện đất xấu, đất tốt thì nay bỏ qua và chấp nhận chuyển đổi. Ngoài đóng góp kinh phí thực hiện chuyển đổi theo quy định của xã, xóm, người dân một số xóm có địa hình đất canh tác bậc thang như xóm 3, xóm 4 và xóm 7 còn bỏ ra ít nhất là 1 triệu đồng đến nhiều nhất là 17 triệu đồng/hộ để san ủi ruộng, cải tạo, phục hóa đất theo mô hình canh tác của mình.

Ông Hoàng Văn Bình ở xóm 4, xã Trung Sơn là một trong những hộ như thế. Với 6 suất đất ruộng và 1 suất nhận khoán (khoảng 12 sào), trước đây gia đình ông có đến 17-18 thửa ruộng, sau chuyển đổi Chỉ thị 02 và chia đất theo Nghị định 64, gia đình ông còn 4- 5 vạt.  Nay Nhà nước có chủ trương “dồn điền, đổi thửa” ông xin với xã dồn 7 suất đất vào 1 thửa trước nhà. Mảnh đất trước nhà không thật sự tốt so với các thửa trước đây nên ông phải đầu tư gần 17 triệu đồng và bỏ công suốt gần 1 tháng ròng để san ủi, thiết kế lại toàn bộ khu đất cho phù hợp.. 

Ông Bình cho biết: Trước đây đất sản xuất của gia đình ông tốt và năng suất cao hơn nhưng do ở nhiều nơi tốn công đi lại chăm sóc nên tính ra cũng không hiệu quả. Mảnh đất hiện tại ở gần nhà nên ông hiểu rõ thổ nhưỡng, tưới tiêu vùng đất này nên mạnh dạn nhận để cải tạo và bảo vệ, chăm sóc. Nơi cao sẽ trồng lạc, đậu, rau màu; nơi thấp, vụ mùa thì làm lúa và vụ hè thu làm cá – lúa. Ông tin rằng, nếu thuận lợi thì chỉ sau 1 năm sẽ thu hồi được số tiền đầu tư. Sắp tới ông dự định cùng với mấy hộ trong xóm tìm giống lúa chất lượng cao và phù hợp với đặc điểm tưới tiêu vùng đất của xóm mình.

Sau gần 1 năm triển khai, đến nay việc dồn điền, đổi thửa ở Trung Sơn đã thực hiện xong. Do không phải xã chỉ đạo điểm nên để có kinh phí triển khai, xã đã vận động nhân đóng góp trong 2 năm, bình quân mỗi khẩu 250 ngàn đồng. Kết thúc triển khai, xã đầu tư kinh phí khoảng 1,2 tỷ đồng, trong đó xây lắp hơn 600 triệu đồng, đào đắp trên 74 ngàn m3 đất để nạo vét kênh tiêu, làm hơn 200 tuyến đường ra đồng... Khác với trước đây mỗi hộ có 5-7 thửa ở nhiều xứ đồng khác nhau thì nay, trong tổng số 1.230 hộ nhận ruộng với 441 ha đất canh tác, bình quân mỗi hộ chỉ còn 1,7 thửa. Cụ thể, có 500 hộ 1 thửa (chiếm 40%), 400 hộ 2 thửa (chiếm 33%) và 330 hộ 3 thửa (chiếm 27%).

Ông Đoàn Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã cho hay: Sau một vài khó khăn ban đầu, Chỉ thị số 08 của BTV Tỉnh ủy đã đánh trúng được tâm lý muốn “thuận canh, thuận cư” để an tâm, đầu tư lâu dài vào đất sản xuất của người dân. Ngoài ra, nhận thấy đây là điều kiện thuận lợi quy hoạch lại hệ thống giao thông thủy lợi nên xã đã vận động mỗi khẩu hiến 25 m2 đất để mở rộng, nâng cấp đường đủ khẩu độ để xe cơ giới đi lại vận chuyển trong sản xuất. Sau chuyển đổi, nhờ kênh mương được nạo vét, đường có cống nên mùa mưa vừa qua một số xóm không còn ngập úng như các năm. Người dân vùng bãi, sau chuyển đổi đất đã có đầu tư lớn và đưa máy móc vào trồng ngô nên 8 ha ngô vụ đông của xã năm nay phát triển rất tốt và hứa hẹn sẽ cho thu hoạch cao…

Điều đáng ghi nhận, mặc dù không được chọn là điểm chỉ đạo nhưng nhờ quyết tâm và nỗ lực nên Trung Sơn là 1 trong 2 xã đầu tiên của Đô Lương (cùng với xã Thuận Sơn) hoàn thành sớm việc dồn điển, đổi thửa.Thành công này có được là nhờ sự đồng sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Trung Sơn với quyết tâm tạo điều kiện để nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Bài, ảnh: Nguyễn Hải