(Baonghean.vn) - Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao trăn trở trước thực trạng nhiều cán bộ, công chức làm nhiệm vụ chuyên môn về văn hóa song không hiểu biết tường tận về văn hóa của các vùng miền, dân tộc.
Trăn trở chất lượng cán bộ làm công tác văn hóa
Theo Sở Văn hóa và Thể thao, việc thực hiện chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh có sự đầu tư, hỗ trợ theo Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ và theo Chương trình MTQG về văn hóa hàng năm của Bộ VHTTDL.
Tỉnh Nghệ An đã ban hành được nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo; Cấp ủy, chính quyền các huyện, thị miền núi, vùng DTTS chủ động ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, đề án, kế hoạch về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các DTTS trên địa bàn.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, hạn chế sự năng động, sáng tạo trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; ý thức tự giác giữ gìn bản sắc văn hoá của các dân tộc đang ở mức thấp; đội ngũ cán bộ văn hóa là người DTTS từ huyện đến xã số lượng còn ít, năng lực còn nhiều hạn chế với trình độ đại học chiếm tỷ lệ thấp…
Ngày 9/10/2017, UBND tỉnh Nghệ An đã ký Quyết định số 4638/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018-2025. |
Ngoài ra, ngân sách đầu tư, hỗ trợ cho công tác bảo tồn và phát triển các DTTS từ tỉnh đến huyện còn hạn chế; công tác xã hội hoá văn hoá nói chung và trong lĩnh vực bảo tồn văn hoá phi vật thể còn gặp nhiều khó khăn; các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số còn mang nặng tính tự phát, nội dung chưa phong phú, chưa có chiều sâu, có dấu hiệu bị mai một.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phạm Tiến Dũng kiến nghị HĐND tỉnh hỗ trợ nguồn lực bồi dưỡng, đào tạo con em miền núi. Theo ông Dũng, số cán bộ, công chức cấp tỉnh là người DTTS hiện chiếm số lượng rất ít, về nhiều huyện miền núi tình trạng cũng tương tự, HĐND tỉnh cần rà soát lại 11 huyện, thị miền núi để nắm được tỷ lệ cán bộ, công chức người DTTS.
Lãnh đạo Sở này cũng trăn trở chất lượng cán bộ làm công tác văn hóa: “Cán bộ làm văn hóa nhưng không hiểu văn hóa - đó là thực tế đáng băn khoăn hiện nay. Nhiều con em dân tộc miền núi được đào tạo bài bản, thậm chí tốt nghiệp bằng giỏi nhưng không còn vị trí để tuyển vào. Cần lưu tâm đến vấn đề này, bởi đó cũng là nội dung để thực hiện chính sách ưu tiên đồng bào DTTS về lâu dài”.
Cần sửa đổi, thay thế một số quyết định, thông tư
Cũng tại buổi làm việc, Ban Dân tộc UBND tỉnh cho biết, từ năm 2011 đến nay, cơ quan này đã tham mưu UBND tỉnh nội dung kế hoạch thực hiện chính sách phát triển toàn diện văn hóa DTTS tại Quyết định số 2565/QĐ-UBND ngày 20/5/2014; tiếp tục tham mưu thực hiện các nội dung theo Quyết định số 84/2006/QĐ-UBND ngày 24/8/2006.
Tổng kinh phí được cấp trong giai đoạn khảo sát là 6.795 triệu đồng, thực hiện hỗ trợ các nội dung: xây dựng “Phòng lưu giữ, trưng bày, giới thiệu một số loại hình văn hóa các DTTS Nghệ An” tại Ban Dân tộc tỉnh; tổ chức 4 hội diễn văn nghệ các DTTS tỉnh Nghệ An; hỗ trợ các địa phương tổ chức lễ hội văn hóa dân gian truyền thống; hỗ trợ tổ chức 71 lớp phổ biến chữ dân tộc,…
Bên cạnh những thuận lợi nhất định, bà Lang Thị Phượng - Trưởng phòng Tuyên truyền và Địa bàn, Ban Dân tộc tỉnh cho biết vẫn còn một số khó khăn, tồn tại trong công tác này cần sớm được tháo gỡ.
“Sự tham gia vào cuộc của một số chính quyền địa phương trong công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc còn hạn chế. Bên cạnh đó, nội dung của chính sách chưa được triển khai, tuyên truyền sâu rộng đến hệ thống làm công tác dân tộc các cấp nên việc nắm bắt và hiểu biết về chính sách còn hạn chế…”, bà Phượng phát biểu.
Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh cũng cho rằng, Quyết định 84 và thông tư hướng dẫn liên quan đã được ban hành hơn 10 năm, một số nội dung không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay, cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, chẳng hạn: mở rộng phạm vi áp dụng thực hiện nội dung chữ viết dân tộc Thái cho học sinh THPT, nên quy định kéo giãn thời gian tổ chức thi sáng tác các làn điệu dân ca, dân vũ các DTTS, một số quy định về phân công tổ chức thực hiện của các sở, ngành liên quan còn chồng chéo…
Kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh cơ bản đồng tình với nội dung báo cáo của các sở, ngành tham mưu thực hiện có hiệu quả các chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa vùng DTTS Nghệ An, đề nghị bổ sung thêm một số nội dung để cụ thể hơn nữa theo đề cương khảo sát.
Bà Lô Thị Kim Ngân cũng đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao cùng Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước, rà soát các văn bản từ Trung ương tới địa phương trong giai đoạn 2011 đến nay liên quan đến vấn đề bảo tồn, phát triển văn hóa DTTS, phối hợp để thực hiện tốt hơn lĩnh vực này.
Thu Giang