(Baonghean) - Huyện ủy Tân Kỳ xác định đổi mới công tác vận động quần chúng là một trong những nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài đối với cấp uỷ, chính quyền các cấp, ngành trên địa bàn. 

Xắn tay xuống ruộng cùng nông dân

Chúng tôi theo chân anh Vũ Quốc Dũng - Phó Bí thư Chi bộ Trạm Bảo vệ thực vật  huyện Tân Kỳ đến thăm những cánh đồng lúa tại xóm Thanh Phúc, xã Tân An.

Đây là mô hình thâm canh lúa cải tiến (SRI). So với ruộng lúa đối chứng thì mô hình này, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, cây khoẻ, trổ từ 12 đến 25 bông/khóm. Trồng theo phương thức cải tiến mới nên giảm được lượng giống, phân bón, tiền công.

Với xuất phát điểm chỉ vận động được 0,1 ha lúa theo mô hình mới trong vụ đầu tiên, đến vụ thứ hai đã lên tới 4,3 ha, và đến nay, diện tích lúa sản xuất theo mô hình SRI đã được nhân rộng 130ha tại các xã Tân An, Nghĩa Thái. Bà Trần Thị Nga, xóm Thanh Phúc là một trong những hộ tham gia đầu tiên, phấn khởi chia sẻ: “Thời gian đầu khi đưa giống lúa mới vào trồng, chúng tôi còn rất phân vân, nhưng kết quả mang lại thật bất ngờ. Cây lúa bông trĩu hạt. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng giống lúa này vào trồng đại trà, tăng giá trị kinh tế cho gia đình”.

Cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật Tân Kỳ đồng hành cùng bà con nông dân kiểm tra dịch hại trên lúa. Ảnh: Mỹ Nga
Cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật Tân Kỳ đồng kiểm tra dịch hại trên lúa. Ảnh: Mỹ Nga

Có được như ngày hôm nay là một quá trình dài kiên trì, khéo vận động, thuyết phục bà con dần dần từ bỏ tập quán canh tác truyền thống và tin vào ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa lại năng suất và sản lượng lúa cao hơn của cán bộ, đảng viên, nhân viên Trạm Bảo vệ thực vật huyện vì những ngày đầu, khi xây dựng mô hình mới này, người dân không mấy đồng tình bởi lẽ sợ rủi ro, mất trắng mùa màng.

Do đó, để các hộ trong xóm tham gia mô hình, mỗi cán bộ, đảng viên của Trạm Bảo vệ thực vật huyện luôn xác định phương châm hướng về cơ sở, thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, “cầm tay chỉ việc” giúp người dân thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, “cách giải” nhanh nhất cho bài toán vận động chính là phối hợp với người uy tín, làm tốt công tác tiếp xúc, lắng nghe, đối thoại với bà con, từ đó để nắm bắt “nhanh, trúng, đủ” tâm tư, nguyện vọng của người dân.

“Vụ xuân năm 2017, thời tiết diễn biến phức tạp, có nhiều đợt rét đậm rét hại, chúng tôi vẫn “xắn tay” cùng người dân ra ruộng chăm lúa nên lúa phát triển tốt, đẻ nhánh khoẻ. Muốn người dân ủng hộ thì cán bộ phải miệng nói, tay làm, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, anh Dũng chia sẻ.

Gắn với lợi ích nhân dân

Hai xóm Vạn Xuân và Vạn Long, xã Giai Xuân có diện tích 117,58 ha của 329 hộ sản xuất, nhưng có tới 1.016 thửa, bình quân mỗi hộ 3 thửa, thậm chí có hộ 7 thửa của nhiều xứ đồng, nên người dân canh tác manh mún, gặp nhiều khó khăn trong gieo trồng và chăm sóc, đường giao thông nội đồng gần như không có. Trước thực trạng đó, Đảng uỷ xã Giai Xuân đã đưa ra Nghị quyết chuyên đề “Xây dựng vùng chuyên canh trồng mía tập trung, liền vùng, liền thửa” nhằm “dồn điền, đổi thửa”, tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hai xóm đồng tình cao. 

Tuy nhiên, khi bước vào thực hiện lại gặp không ít trở ngại, như đồng chí Nguyễn Duy Việt - Bí thư Chi bộ xóm Vạn Long thẳng thắn nhìn nhận: “Đối với người dân, đất đai điền thổ là tài sản vô giá. Khi tiến hành dồn điền đổi thửa (DĐĐT) có nhiều người so sánh đất xấu, đất tốt, ruộng gần, ruộng xa nên chưa hài lòng”. Do đó, cán bộ, đảng viên từ xã xuống xóm vào cuộc vận động đồng bộ, khéo léo với phương châm “mưa dầm, thấm lâu”. Tất cả những phần việc như chia lại thửa, đánh số trên bản đồ đất đều được công khai, minh bạch, mỗi xóm đều có 4 người dân trực tiếp tham gia giám sát và đo đạc.

Cán bộ huyện Tân Kỳ kiểm tra mô hình trồng mía tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật tại xã Giai Xuân. Ảnh tư liệu

Sau một năm kiên trì thực hiện, đến nay, việc dồn điền đổi thửa tại xóm Vạn Long, Vạn Xuân đã hoàn thành, kết quả chỉ còn lại 329 thửa, từ 12 xứ đồng nay quy tụ lại còn 4 vùng. Hơn thế nữa, thông qua dồn điền đổi thửa đã bố trí, chỉnh trang, làm mới được 16 tuyến đường giao thông nội đồng phục vụ sản xuất. Bí thư Chi bộ xóm Vạn Long Nguyễn Duy Việt chia sẻ. “Trên địa bàn, 70% số hộ dân đã bỏ hẳn phương pháp trồng mía thủ công, thay vào đó là trồng mía công nghiệp, tăng năng suất”. 

Vụ ép 2017-2018, Giai Xuân có mô hình trồng mía tập trung, hứa hẹn vụ mùa bội thu cho năng suất 85 tấn/ha. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Giai Xuân Đặng Ngọc Thịnh khẳng định: “Công tác vận động quần chúng trong DĐĐT là một bước đi quan trọng, không chỉ trong lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị, mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo nông nghiệp nông thôn, giúp nhân dân có cuộc sống đủ đầy hơn”. 

Toàn huyện đã xây dựng được 125 mô hình điển hình cấp huyện và 200 mô hình cấp cơ sở như: “Nâng bước em tới trường” của Ban Chỉ huy Quân sự huyện; “Mái ấm tình thương” của Hội Liên hiệp Phụ nữ; “Ngân hàng máu sống” của Đoàn Thanh niên; “Ánh điện thắp sáng bảo vệ an ninh trật tự” của Hội Cựu chiến binh... Ngày 11/10 vừa qua, huyện Tân Kỳ tiến hành suy tôn 30 điển hình, mô hình xuất sắc trong phong trào.

Trong thời gian tới, huyện Tân Kỳ xác định mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các mô hình gắn những đột phá chiến lược toàn diện như: dồn điền, đổi thửa; huy động nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện...

Phó Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Tân Kỳ Đàm Hữu Hồng khẳng định: "Thông qua việc xây dựng các mô hình đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, công tác điều hành quản lý của chính quyền; đồng thời, phát huy được quyền làm chủ, tính tích cực, chủ động, sáng tạo của nhân dân”.

Mỹ Nga

TIN LIÊN QUAN