Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền không ít thông tin, các đoạn video clip về những vụ xô xát, cãi cọ trên đường phố xuất phát từ những sự va chạm, những hành vi không đẹp nơi công cộng hoặc liên quan đến trật tự giao thông…

Điều đáng nói là từ những sự việc tưởng như nhỏ nhặt, “không đâu” ấy nhưng do cách hành xử thiếu kiềm chế, không đúng mực của "đương sự" đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, nặng thì gây thương tích, hư hại tài sản, nhẹ cũng để lại hình ảnh và dư luận không tốt trong đời sống xã hội. 

Điều đáng nói hơn là những cách hành xử  không bình thường kiểu như thế không chỉ dừng lại ở những cô cậu thanh niên “tóc xanh tóc đỏ”, mà gần đây có xu hướng lan sang cả sang tầng lớp được coi là có nền tảng học thức, văn hóa, thậm chí cả người có địa vị trong xã hội. 

Dù không muốn khơi lại chuyện cũ nhưng thiết nghĩ cũng cần nhắc đến việc một cán bộ cấp sở “bẻ hoa anh đào chụp ảnh” ở khu vực hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt; hai cô giáo là hiệu trưởng và phó hiệu trưởng một trường Tiểu học ở Hà Nội ngồi xe taxi vô ý đâm phải một học sinh trong trường nhưng đã cho rằng mình không biết và gần đây là việc một vị tướng về hưu cãi cự cảnh sát giao thông hay một cán bộ cấp quận đỗ xe chưa đúng chỗ để dùng bữa trưa gây bức xúc dư luận… 

Đúng sai ra sao trong các vụ việc này đã có cơ quan quản lý của các cán bộ đó và cơ quan chức năng phán xử. Ở đây, chúng ta cần trao đổi thêm về cách hành xử của người cán bộ trong cuộc sống thường ngày. 

Karl Marx từng nói, bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Nói một cách  dân dã, dễ hiểu thì trong cuộc sống, mỗi người đều sắm nhiều vai: Ở công sở là nhân viên, là sếp; về nhà là người con của cha mẹ, đồng thời lại là cha mẹ của con cái mình và khi ra cộng đồng là con người của xã hội với tư cách một công dân chịu sự điều chỉnh của những luật, lệ, quy tắc, chuẩn mực… vừa cụ thể vừa ước lệ, quan trọng là phải nhận thức và hành xử đúng vai trò của mình trong từng mối quan hệ cụ thể. 

Riêng đối với người cán bộ, cách hành xử trong cuộc sống hằng ngày không những phải làm tròn nghĩa vụ của một công dân mà hơn thế, còn phải làm gương cho xã hội. Do đó, họ cũng phải hành xử như với tư cách “người của công chúng”, bởi mọi lời nói, cử chỉ, hành vi… của họ đều được xã hội soi xét và tạo hiệu ứng (cả hiệu ứng tích cực và hiệu ứng tiêu cực) lan tỏa rất nhanh. 

Trở lại những câu chuyện gần đây, một điều dễ dàng nhận thấy đó đều là các việc nhỏ nhặt, không đáng ầm ĩ như thế nếu các cán bộ trong câu chuyện như nói trên có cách hành xử văn hóa, đúng mực, tôn trọng người khác. Đó là một sự ăn năn, một lời xin lỗi khi trót bẻ cành hoa nơi công cộng, là sự chấp hành và lắng nghe rồi ôn tồn giải thích khi cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng xe, hay thậm chí chỉ đơn giản là đỗ lại xe khi được nhắc nhở sao cho “được mắt ta ra mắt người”... Và nếu như thế, chuyện lớn sẽ thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ sẽ thành không có gì, thậm chí sẽ chẳng có ai biết đấy là đâu. 

Thế nhưng, cũng dễ nhận thấy trong các sự việc trên là không ai muốn tự nhìn lại hành vi của mình và dũng cảm nhận lỗi mà đều đổ lỗi cho người khác. Thậm chí còn có thái độ hung hăng, hống hách, muốn thể hiện uy quyền với thái độ “lẽ phải luôn thuộc về mình”.  

Tiếc hay may là với sự phát triển của công nghệ thông tin, bất cứ hành vi nào của bất cứ ai cũng đều có thể được ghi lại và chỉ ít giây sau đã có thể xuất hiện trên mạng, mọi việc đều phơi bày để bàn dân thiên hạ phán xét. Hậu quả cho thấy nhãn tiền, chưa biết sự việc đúng sai ra sao nhưng những hành vi phản cảm được đưa lên mạng trước hết ảnh hưởng đến cá nhân, uy tín của người cán bộ, sau đó ảnh hưởng đến cơ quan, địa phương mà người cán bộ đó làm việc và nguy hại hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của tổ chức, cơ quan đơn vị. Không ít người khi nhận ra hậu quả và ăn năn, hối lỗi thì đã muộn. Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Miệng thế gian như làn sóng bể”; còn ông bà ta cũng từng răn dạy: “Trăm năm bia đá thì mòn/ Nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ”. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải luôn tiền phong gương mẫu, thể hiện rõ tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, “làm mực thước cho người ta bắt chước” trong mỗi hành động, việc làm. Sự nêu gương của người cán bộ không phải chỉ ở công sở, chỉ trong công việc mà còn là và nhất là trong việc chấp hành pháp luật và ở mỗi lời nói, hành vi trong cuộc sống thường nhật. Bởi, nhân dân luôn nhìn vào Đảng và chính quyền thông qua những con người cụ thể, những cán bộ, đảng viên cụ thể với những việc làm và cách hành xử hằng ngày. 

Vì vậy, đã là cán bộ thì phải làm gương, nhưng hãy làm gương sáng chứ đừng nêu gương xấu.

Theo Tin Tức/TTXVN

TIN LIÊN QUAN