(Baonghean) - Hiện nay, xu hướng phô trương, đua đòi hình thức tốn kém, lãng phí, cộng với hiện tượng thương mại hóa đám cưới đang là vấn đề dư luận bức xúc.
Như ở quê tôi có thực trạng, gia đình nhà trai mượn danh sách dân số của làng để viết thiếp mời đám cưới, tránh không để sót một ai! Có người nói đùa rằng: Đám cưới thời nay: “Thà mời nhầm còn hơn để sót”! Nhiều lúc, nhận thiếp mời đám cưới mà cứ như “bị mời”, thật khôi hài! Có những đám cưới mời gần 100 mâm cỗ, ăn xong, nhìn vào mâm cỗ thấy thức ăn còn thừa tràn lan, vô cùng lãng phí! Và để có được cỗ cưới hoành tráng đó, không ít gia đình phải vay mượn khắp nơi, sau cưới lại lo “kéo cày trả nợ”.
Việc cưới là việc nhạy cảm, tế nhị và linh hoạt, không thể quy định cứng nhắc, song nó là hoạt động văn hóa - xã hội nên cần được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của từng gia đình và sự phát triển của xã hội văn minh, đồng thời phù hợp với phong tục, tập quán của từng vùng miền. Do vậy, lễ cưới cần đảm bảo hai nguyên tắc: Tôn trọng pháp luật và phù hợp với tập quán tốt đẹp của dân tộc, tránh xa sự lai căng, kệch cỡm, không phù hợp với truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc . 
Trong những năm gần đây, ngành VHTT  và DL phối hợp với Tỉnh đoàn triển khai việc cưới theo nếp sống văn hóa, bằng nhiều hình thức như: Thi nét đẹp trong lễ cưới, tổ chức đám cưới mẫu... Một lễ cưới được coi là văn minh, trang trọng, tiết kiệm là những lễ cưới không mời quá rộng, tăng cường báo hỷ, chỉ mời những người thật sự gắn bó và có ý nghĩa với cô dâu, chú rể và hai bên gia đình. Trang phục đừng quá cầu kỳ mà nên gắn liền với truyền thống dân tộc. 
Bên cạnh đó, cần hình thành những phong tục mới, nét đẹp mới như: dâng hương, dâng hoa tại các công trình tưởng niệm, đài nghĩa trang liệt sỹ, dâng hoa tại các công trình văn hóa, tặng quà hoạt động từ thiện, thăm hỏi, tặng quà thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, thăm hỏi, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đóng góp công ích cho các công trình ở địa phương, trồng cây lưu niệm ở các công trình văn hóa... 
Cần phải thấy rằng, nếu để hiện tượng trục lợi, thương mại hóa đám cưới cứ tự nhiên diễn ra như hiện nay mà không có giải pháp kiềm chế thì sẽ có nguy cơ trở thành tập quán xấu, lâu ngày sẽ bén rễ, ăn sâu vào đời sống xã hội. Do đó, cần phải có những quy định mang tính chất bắt buộc, kèm theo những biện pháp xử lý nghiêm minh. Và trước hết, cán bộ công chức phải gương mẫu chấp hành, làm gương cho nhân dân noi theo. Mới đây, tỉnh Bình Dương đã triển khai thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang trong cán bộ công chức, bước đầu có hiệu quả, được nhân dân rất đồng tình, ủng hộ. Hy vọng từ mô hình hiệu quả ở Bình Dương sẽ được nhân rộng ra, tạo nên một nét sinh hoạt văn hóa lành mạnh trong cả nước. 
Vũ Ba Lan (Tạp chí Văn hóa Nghệ An)