Camry 2018 là yếu tố giúp Toyota cân bằng lại thị trường, trong bối cảnh nhu cầu của khách hàng đang dịch chuyển nhanh chóng sang dòng SUV.

Cách đây 30 năm, Toyota lấy yếu tố giá nhiên liệu cao và các quy định về khí thải nghiêm ngặt làm thế mạnh khi bước chân vào Mỹ. Cùng với các nhà sản xuất Nhật Bản khác, bao gồm Honda và Nissan, Toyota đã giành được thế thượng phong trước các hãng xe bản địa, bằng những mẫu sedan giá rẻ và tiết kiệm nhiên liệu.

Nhưng giờ đây, thị trường Mỹ đang thay đổi, nhu cầu về dòng SUV đã vượt qua sedan lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua. Và SUV dĩ nhiên là thế mạnh của người Mỹ, với bộ ba Ford, GM và Fiat Chrysler. Năm ngoái (2016), Toyota đã mất 0,3% thị phần, còn 14%, vì khách hàng nơi đây quay lưng với dòng sedan truyền thống.

Đầu 2017, Toyota chính thức giới thiệu Camry thế hệ mới nhằm tháo gỡ khó khăn. Và một câu hỏi mới đặt ra, liệu tương lai của Camry sẽ đi đến đâu trong một thị trường ưa chuộng dòng SUV, song song với giá nhiên liệu đang ở mức thấp.

Bất chấp những thách thức, Giám đốc điều hành của Toyota và các chuyên gia phân tích trong ngành công nghiệp xe hơi tin rằng, Toyota và các nhà sản xuất Nhật Bản khác đủ cơ sở để tạo ra sự thay đổi. Họ không phải những công ty nhỏ. Trong bốn thập kỷ qua, Toyota không chỉ tạo ra thị hiếu của người Mỹ với dòng xe sedan, mà kinh doanh ở mọi phân khúc, từ SUV đến xe bán tải.

Tỷ lệ sản phẩm của Toyota ở Mỹ là 60% SUV và 40% sedan, ông Jack Hollis, Phó chủ tịch phụ trách thị trường Bắc Mỹ, cho hay. "Không ai lường trước được những gì đang diễn ra trên thị trường hiện nay. Thị hiếu của người Mỹ thay đổi quá nhanh".

Hollis dự đoán rằng, lần đầu tiên trong lịch sử, chiếc crossover Toyota RAV4 sẽ vượt doanh số của Camry trong năm nay. Doanh số Camry đã giảm 9% vào năm 2016. Bên cạnh đó, Toyota Highlander đang giữ vị trí thứ 3 trong danh sách SUV cỡ trung bán chạy (dưới Ford Explorer và Jeep Grand Cherokee), và Tacoma dẫn đầu bảng xếp hạng doanh số bán tải cỡ trung.

Sự hưng thịnh của Toyota trong phân khúc SUV và bán tải đối nghịch với một Toyota trước đây chuyên sản xuất những chiếc xe cỡ nhỏ. Vào những năm thập kỷ 80 thế kỷ trước, Corolla là một trong những chiếc xe bán chạy nhất thị trường Mỹ, theo sau là Camry. 

Trong bối cảnh Toyota luôn theo kịp thị trường, các nhà sản xuất xe hơi Mỹ đã rút được bài học từ quá khứ, thời điểm mà các hãng xe Nhật chiếm được 10% thị phần những năm 1980. 

"Các luật lệ của chính phủ làm ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ở Detroit, Mỹ, bởi các sản phẩm cỡ lớn như của GM, Pontiac hay Buick không thể đáp ứng mức tiêu thụ nhiên liệu quy chuẩn", Joe Philippi, cựu chuyên gia phân tích thị trường xe hơi ở phố Wall, cho biết.

Tệ hại hơn, các nhà sản xuất xe hơi Mỹ cũng bỏ qua yếu tố trung thành của khách hàng. "Lòng trung thành của khách hàng đối với các hãng xe Nhật Bản rất lớn", theo kết luận của Viện nghiên cứu Brookings năm 1991.
"Nhật Bản khôn ngoan đúng thời điểm người Mỹ cần xe giá rẻ và tiết kiệm nhiên liệu năm 1970, và sau đó họ tập trung nâng cao chất lượng xe hơi. Đó thực sự là bước nhảy vọt", Philippi nói.

Các hãng xe Mỹ đồng loạt thay đổi quan điểm, mở rộng phát triển vào những chiếc xe nhỏ giá cả phải chăng, dự phòng cho bối cảnh giá xăng tăng trở lại, và tấn công vào nhóm khách hàng trẻ. Ví dụ, hãng Buick của General Motors đã tiên phong ở phân khúc crossover cỡ nhỏ. Chevrolet "lột xác" mẫu Cruze và mẫu Malibu, và sau đó nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ các nhà báo ngành xe hơi.

Sự thay đổi thu hút chú ý của Toyota. Dù hãng xe Nhật vẫn dẫn đầu về doanh số dòng sedan cỡ trung, nhưng đã tụt hậu về kiểu dáng và hiệu suất động cơ. Camry thế hệ mới vừa ra mắt là "vũ khí" để Toyota giữ vững ngôi vương bấy lâu nay.

"Rất nhiều khách hàng chọn mua SUV thay vì sedan", ông Jack Hollis, Phó chủ tịch phụ trách thị trường Bắc Mỹ của Toyota, nói. "Chúng tôi đẩy mạnh phát triển dòng sedan để tạo ra sự cân bằng trên thị trường xe hơi".

Theo Zing

TIN LIÊN QUAN