Với những thành công mà du lịch Campuchia đã làm được, lời hứa hẹn cùng hợp tác phát triển sẽ là cơ hội cho du lịch Việt Nam.

Đó là những chia sẻ của ông Visothy So, Phó Quốc vụ khách Bộ Du lịch Campuchia, tại triển lãm du lịch quốc tế khu vực tam giác phát triển Việt Nam, Lào và Campuchia với chủ đề “3 quốc gia, 1 điểm đến” vừa được UBND tỉnh Bình Thuận khai mạc ngày 11/9.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Visothy So cho biết, quốc gia này tiếp tục có những hoạt động xúc tiến du lịch để nâng lượng khách từ Campuchia đến Việt Nam trong năm 2015.

Ông Visothy So khẳng định: “Miền đông bắc Campuchia rất giàu tiềm năng thu hút đầu tư và khách du lịch với nhiều di sản thiên nhiên như thác nước, núi đồi và đặc biệt Campuchia có tuyến giao thông thuận lợi kết nối với Việt Nam nên sẽ rất dễ dàng thu hút khách du lịch Việt Nam. Năm ngoái chúng tôi đón khoảng 1 triệu khách du lịch Việt Nam và kỳ vọng con số này cao hơn trong năm nay".

Campuchia hứa hợp tác phát triển du lịch với VN
Campuchia hứa hợp tác phát triển du lịch với VN

Ông Visothy So cho rằng các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch giữa tam giác ba quốc gia Việt Nam – Lào – Campuchia hiện nay sẽ giúp thu hút nhiều khách Campuchia đến Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt là vùng đất Bình Thuận với bãi biển đẹp, cơ sở hạ tầng về khu nghỉ dưỡng sẵn sàng và môi trường du lịch hấp dẫn.

Điều đáng nói, chính các chuyên gia du lịch cũng đã chỉ rõ, hơn chục năm trước, ít ai nghĩ tới việc du lịch Lào và Campuchia, nhưng hiện nay họ đã qua mặt Việt Nam.

Phân tích về sự thành công của du lịch Campuchia, ông Nguyễn Hữu Bắc, Chủ tịch HĐQT công ty kiêm

Giám đốc Trung tâm Lữ hành Quốc tế TST Travel Nghệ An cho rằng, Campuchia sự phát triển về cơ sở vật chất kỹ thuật cũng chỉ tập trung ở một số thành phố lớn như Siem Reap, Phnom Penh. Cái được nhất mà quốc gia này được đánh giá là sự thân thiện và an toàn.

Như vậy tất cả so sánh khi cùng tiêu chí, cùng đặt trên một bàn cân thì có thể thấy giữa Việt Nam, Lào và Campuchia sẽ có những điểm hơn, kém khác nhau.

Ông Bắc chỉ rõ: "Như Lào và Campuchia, ngân sách cho hoạt động này chỉ tập trung vào một cơ quan là Bộ Thông tin thể thao và du lịch (Lào) và Cục xúc tiến (Campuchia).

Còn ở Việt Nam quá nhiều đầu mối, Bộ Công thương cũng quảng bá du lịch, Cục hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch cũng làm động tác này… Như vậy nếu có 10 đồng ngân sách mà chia ra 5 cơ quan thì quy mô sẽ nhỏ đi và không tạo được tiếng nói".

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Công ty du lịch Lửa Việt cũng phân tích, hiện nay Việt Nam quá dựa vào tài nguyên nên không chịu khó nghĩ ra cách làm mới, sáng tạo để vượt lên, thậm chí còn lãng phí. Ngược lại Lào và Campuchia giống như con nhà nghèo chịu khó làm lụng và tiết kiệm. Từ cái nhỏ đến cái lớn và họ thành công.

Hơn nữa khác biệt của Việt Nam và Lào, Campuchia thể hiện rõ nhất đó là tính tự chủ. Vì vậy mọi sự sáng tạo, cố gắng và ý thức được thể hiện trong công việc của họ làm thế nào đó để được tốt nhất và bền vững.

"Tôi từng đi một xuyên Lào rồi sang Campuchia nhưng suốt 1500km không có một trạm thu phí. Ngược lại ở Việt Nam trạm thu phí dày đặc.Rồi có những khu du lịch như Đảo Rong Samloem ở Campuchia (cách Sihanoukville 25 km) đẹp hoang dã, biển sát rừng nguyên sinh. Hàng chục doanh nghiệp đầu tư, kiểu du lịch sinh thái đúng nghĩa, toàn nhà tranh vách ván. Không internet, không máy lạnh, tủ lạnh; điện máy phát thường có từ 18 - 24h hàng ngày.

Dù biển Campuchia chỉ bằng 1/8 Việt Nam, du lịch thu hút khách đa phần bằng 2 di sản thế giới là Angkor Wat ở Siem Reap và đền Preah Vihear. Họ không có những Sơn Đoòng (hang động), Hạ Long (vịnh biển), Đà Lạt (hoa), Hà Giang (đá), chợ nổi, những vườn cây trĩu quả... ở Nam bộ với 8 di sản văn hóa, thiên nhiên như Việt Nam.

Nhưng từ cái khó họ đang ghi điểm trong lòng khách du lịch. Còn chúng ta lại đang dần đánh mất đi những ấn tượng tốt đẹp đó. Và hậu quả là chúng ta đang thua.

Kết quả thể hiện cụ thể, nếu như năm 2000, Campuchia mới đón hơn 400 nghìn lượt khách, thì sau 14 năm con số này đã tăng gấp 10 lần (hơn 4,5 triệu). Con số tương tự tại Lào cũng tăng từ trên 700.000 lượt khách lên hơn 4 triệu. Trong khi đó Việt Nam đã mở ra từ lâu nhưng năm 2014 cũng chỉ có gần 8 triệu lượt khách.

Nếu quả thực có một cái bắt tay hợp tác du lịch giữa Campuchia  và Việt Nam, liệu du lịch Việt Nam có khắc phục được những điểm yếu để vươn mình?

Theo SG Oline