Campuchia hôm qua đã cáo buộc Thái Lan gây hư hại tới hai ngôi đền cổ là trung tâm của vụ giao tranh mới giữa hai nước, bắt đầu từ hôm thứ sáu vừa qua, khiến 12 binh sỹ hai bên thiệt mạng.
Vụ giao tranh mới này được xem là đẫm máu nhất kể từ khi căng thẳng biên giới bùng phát từ 3 năm trước. 12 binh sỹ đã thiệt mạng, hàng chục ngàn người dân làng ở cả hai bên phải di tản, khi các cuộc nã pháo, bắn súng phá vỡ một lệnh ngừng bắn không chính thức giữa hai bên từ cuối tháng 2 vừa qua.
Chiều qua, các cuộc giao tranh lại được nối lại, với nhiều pháo hạng nặng được bắn ra, trong khi, như thường lệ, hai bên đổi lỗi cho nhau gây hấn trước.
Binh sỹ Campuchia tại ngôi đền Ta Krabey.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Ckinton đã kêu gọi cả hai bên kiềm chế.
Các vụ đụng độ mới xảy ra gần 2 nhóm đền tranh chấp, có tên Ta Kwai và Ta Muen trong tiếng Thái và Ta Krabey và Ta Moan trong tiếng Khơ-me. Hai đền nằm sâu bên trong khu rừng xa tuyến đường du lịch chính.
Bộ Quốc phòng Campuchia hôm qua ra tuyên bố các vụ tấn công của Thái Lan đã gây hư hại đối với các tàn tích cổ. Tuy nhiên, “chúng tôi chưa biết về mức độ hư hại”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Chhum Socheat cho hay.
Campuchia cũng cáo buộc Thái Lan dùng máy bay do thám và khí độc trong vụ giao tranh, tuy nhiên phía Bangkok kịch liệt phủ nhận. Song gần đây Thái Lan thừa nhận đã sử dụng loại đạn gây tranh cãi, được thiết kế tóe thành chùm khi phát nổ trong cuộc đụng độ giữa hai nước hồi tháng 2 vừa qua. Ngoài ra, Thái Lan cũng bị cáo buộc bắn hơn 300 quả đạn pháo vào các làng của Campuchia.
7 lính Campuchia và 5 lính Thái Lan đã thiệt mạng trong vụ đụng độ mới nhất. Một binh sỹ Campuchia mất tích từ hôm thứ sáu vừa qua.
Ngoài ra, 20.000 thường dân đã phải lánh nạn tại 16 trại tạm ở bên phía biên giới Thái Lan, trong khi 17.000 dân được sơ tán khỏi các làng của Campuchia. Những người khác, như Suwech Yodsri, 47 tuổi, đã ở lại để trông nom nhà cửa, bất chấp mối nguy hiểm rình rập từ các vụ nã pháo.
“Tôi rất sợ ở đây nhưng tôi phải ở lại để trông nom làng khỏi bị cướp phá”, ông cho biết tại làng Nong Kanna của Thái Lan, cách biên giới khoảng 5km. “Tôi tin xung đột chính trị là nguyên nhân.”
Giao tranh bùng phát vào thời điểm nhạy cảm chính trị đối với Thái Lan, với Thủ tướng Abhisit đang chuẩn bị giải tán hạ viện sớm, dọn đường cho cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức vào đầu tháng 7 tới. Ông Abhisit cho biết, ông hi vọng tình hình biên giới sẽ được cải thiện trước khi ông dự kiến gặp người đồng cấp Campuchia Hun Sen tại hội nghị cấp khu vực vào ngày 7-8/5 tới.