Ông Nguyễn Khắc An, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Vinh:
 Với cá nhân mình thì có chút may mắn là bởi ngày mùng 8 tháng 3 sát với ngày sinh nhật của mình, lại trùng với ngày vợ chồng mình gặp nhau lần đầu, nên năm nào nhà mình cũng “lồng ghép” ba trong một, thành thử năm nào cũng có cả "phần hình" lẫn "phần tiếng: khá rôm rả.
Mình vẫn thường coi ngày mùng 8 tháng 3 là dịp trả một phần ngàn món nợ cho vợ. Trả một phần ngàn thôi, trả hết thế nào được! Đàn ông chúng mình nợ phụ nữ quá nhiều, món nợ đáng sợ nhất chính là sự vô tâm. Phụ nữ hy sinh và cam chịu, họ không biết mặc cả, họ dung dị và vị tha… đôi khi chỉ một bó hoa cũng đủ “xóa nợ” cả phần gốc lẫn lãi mà đàn ông mình cũng chả làm được.

Vợ ngâm rượu thuốc mình a lô gọi bạn bè đến nhậu tùm lum, còn vợ thì lo đồ mồi. Vợ nấu một nồi canh mà mình chả chịu hào phóng một lời khen, vợ buồn chuyện cơ quan cũng thiếu hẳn một lời an ủi, thậm chí vợ mệt cũng chả thèm đếm xỉa một tiếng hỏi han. Làm được ba đồng đôi khi cao hứng cũng hoạnh họe đủ đường. Thẳng thắn mà nói, chúng ta “xài” vợ vô tội vạ mà chả chịu “duy tu bảo dưỡng” gì cả. Vậy mà vợ vẫn miệt mài làm… vợ. Không nợ vợ thì nợ ai nữa? 
Bác sỹ Ngô Nam Hải, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu Chống độc, Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh:
Người làm nghề y chấp nhận hy sinh vì lòng yêu nghề, vì trách nhiệm với sức khỏe người dân thì là điều đã đành. Song sự hy sinh của “hậu phương” của người làm nghề y mới thật vĩ đại...
 
Bản thân tôi làm việc ở  Khoa Hồi Sức tích cực chống độc là một khoa đặc thù: Nơi đây có rất nhiều người bị bệnh từ nặng đến nguy kịch, phải điều trị dài ngày. Công việc của các y bác sĩ tại Khoa rất căng thẳng, thường xuyên ứng trực 24/24h mỗi ngày. Cả bệnh nhân, người nhà và bác sĩ chưa bao giờ ngừng nghỉ trong cuộc chiến giành giật sự sống... Quỹ thời gian của bản thân dành cho người bệnh nên tôi thường xuyên vắng nhà, thời gian chăm sóc vợ con là rất ít. Vợ tôi chính là người thiệt thòi nhất khi cáng đáng gần như tất cả phần việc của chồng. Ngay thời gian ít ỏi dành cho gia đình cũng có thể bị “cắt xén” bất cứ lúc nào bởi một trường hợp bệnh nhân nào đó cần đến sự có mặt của mình.
Nói thật, đã có những lúc vợ con mình ốm đau nhưng tôi lại phải đang đi chăm sóc sức khỏe cho người bệnh khác. Những lúc đó, vợ đã lặng lẽ giấu đi nỗi buồn tủi, thiệt thòi để rồi cố gắng vượt qua, chăm con khỏe, dạy con ngoan. Vợ vẫn thường động viên tôi an tâm công tác. Sự hy sinh của vợ là không thể nào kể xiết được. Với tôi, vợ là người gánh gồng hơn một nửa thế gian. 
Clip: Đức Anh - Thành Chung
Cầu thủ Nguyễn Quang Tình, Câu lạc bộ Bóng đá Sông Lam Nghệ An:
Tính chất nghề nghiệp cầu thủ đã cuốn chúng tôi  xa nhà đằng đẳng cả năm trời. Hết tập huấn, tập luyện rồi lại thi đấu. Trong quãng thời gian ấy, ngày lễ hay những lúc nhà có việc, con ốm đau, con đi học, con ăn uống...chúng tôi đều không thể ở nhà. Những lúc ấy, chúng tôi cũng rất buồn khi mình không gánh vác, san sớt những buồn vui thường nhật với vô vàn câu chuyện, công việc không tuổi, không tên với vợ.
 
Đời cầu thủ tính bằng những bản hợp đồng chuyển nhượng. Còn đối với những người phụ nữ là mẹ, là vợ tính bằng những vất vả, hy sinh, thiệt thòi. Mẹ và vợ âm thầm lo lắng chu toàn những phần việc mà đáng lý là người con, người chồng phải làm.
Tôi luôn cảm ơn vợ vì đã chăm lo tốt cho tổ ấm hạnh phúc gia đình, trở thành hậu phương vững chắc nâng bước cho mình thi đấu tốt, hoàn thành nhiệm vụ với đội bóng.
Bản thân tôi luôn ý thức rõ về sự thiệt thòi và khó khăn của một nửa của mình; luôn khao khát được gần gũi gia đình, được đỡ đần những công việc nhà giúp vợ. Vậy nên, những lúc được nghỉ, cố gắng dành nhiều thời gian để ở bên cạnh vợ con, làm những việc nhà xem như phần nào để bù đắp./.
Clip: Đức Anh - Thành Chung