(Baonghean) - Thế hệ trẻ luôn nhớ đến đất nước Nga qua hình ảnh Lê Nin mà Bác Hồ đã tìm đến trên bước đường cứu nước giải phóng dân tộc. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga, các bạn trẻ tổ chức nhiều hoạt động tiếp nối truyền thống hữu nghị Việt - Nga.

Em Đậu Thị Cẩm Tú, lớp C6K40, học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu chia sẻ: “Em biết đến nước Nga qua lời kể của ông bà, cha mẹ. Những hình ảnh về đất nước tươi đẹp, con người Nga đôn hậu trong văn học Nga với mùa đông tuyết phủ trắng, những cánh rừng phong vàng rực hay hàng bạch dương rủ lá vi vu... đã để lại ấn tượng đẹp trong em và  ước mong có một ngày được đến  đó”. 

Thủ khoa khối D2 Trường Đại học Ngoại thương, cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Bùi Thị Thảo Hương cho biết: “Mỗi thứ tiếng đều có cái hay riêng, mình không dám nói tiếng Nga là thứ tiếng hay nhất nhưng nó vừa sâu vừa rộng, có một nét giống tiếng Việt là rất nhiều ẩn ý, đây là điều rất thú vị. Ngoài những tiết học chính khóa, khoa còn tổ chức các buổi ngoại khóa, giao lưu văn nghệ như Dạ hội Nga, thi các điệu nhảy dân gian Nga... điều đó giúp cho sinh viên hiểu thêm về văn hóa Nga.”

Học sinh chuyên Nga Trường THPT chuyên Phan Bội Châu trong buổi Dạ hội Nga.
Học sinh chuyên Nga Trường THPT chuyên Phan Bội Châu trong buổi Dạ hội Nga.

Em Nguyễn Thị Tố Uyên, học sinh lớp chuyên Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu tâm sự: “Em biết đến nước Nga qua sách vở, báo chí, qua những bài học lịch sử. Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 thắng lợi đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử loài người. Đó là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, thời đại giai cấp công nhân và nhân dân lao động bị áp bức trên toàn thế giới đoàn kết đấu tranh để giải phóng mình khỏi chủ nghĩa tư bản, thực dân, tự mình làm chủ vận mệnh của mình để xây dựng xã hội tốt đẹp”. 

Với  Lê Thị Liên Chi, lớp chuyên Văn, Trường THPT Hà Huy Tập: “Em biết đến nước Nga qua tác phẩm văn học Nga “Thép đã tôi thế đấy”, “Sông Đông êm đềm”, “Chiến tranh và hòa bình”. Văn học Nga là một trong những nền văn học phong phú và tiên tiến nhất của nhân loại, là một trong những thành tựu rực rỡ nhất của nghệ thuật văn học thế giới. Nhận xét đó không hề thừa khi nước Nga sở hữu những tên tuổi chói lọi như các nhà thơ, nhà văn Puskin, Lermantop, Dostoievski, Turgenev, Tchekhov, Tolstoi, Ilia Erenbua... Những tác phẩm của các tác giả này là những mẫu mực, tinh hoa của nền nghệ thuật hiện đại và có ảnh hưởng lâu dài, sâu rộng đến các nền văn học khác trên thế giới”.

Hội Hữu nghị Việt- Nga là chiếc cầu nối cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu thêm và nâng tầm trong quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống với nước Nga. Nghệ An, quê hương chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết nghĩa với tỉnh Ulianốpxcơ, quê hương Lênin và tại Thành phố vinh đã trân trọng đặt tên đường lớn Đại lộ Lê Nin càng tăng thêm mối tình hữu nghị đặc biệt gắn bó keo sơn với đất nước Nga.  

Phạm Ngân