(Baonghean) - Đề dẫn của Hội thảo “Văn xuôi Nghệ An đầu thế kỷ XXI” (tổ  chức vào tháng 6/2014) nêu: “Tiềm năng của văn xuôi Nghệ An là rất lớn… Đây đó đã xuất hiện những hiện tượng được bạn đọc chú ý”. Tuy nhiên, trong thực tế, liệu đã  có những tác giả và tác phẩm tạo nên  “hiện tượng” văn chương thực sự hay chưa?.

Văn xuôi Nghệ An đầu thế kỷ XXI lại nay, với nhiều tìm tòi về đề tài, chủ đề, sự mạnh dạn thể nghiệm thể loại và xuất hiện nhiều cây bút trẻ đã làm dày dặn lên “vốn liếng” đời sống văn xuôi tỉnh nhà thời kỳ đổi mới, khẳng định sự đóng góp vào thành tựu văn xuôi của cả nước. Nhưng có lẽ, ngoài Hồ Thị Ngọc Hoài với giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ 2006 - 2007 cho truyện ngắn “Thung Lam” thì, thì hầu như mươi năm lại nay, không có tác phẩm nào xuất hiện thực sự khuấy động được văn đàn.

Có lẽ, sáng tác văn chương bây giờ, một “hiện tượng” xuất hiện phải là lay động được nhiều tầng cảm thụ mới, tạo những ám ảnh hiện thực cuộc sống đối với độc giả. Vốn sống đương nhiên là quan trọng, nhưng bản lĩnh để đưa vốn sống đó vào văn chương với những trăn trở thực sự, dấn thân thực sự mà hoặc là trực diện, hoặc khơi gợi những suy ngẫm, ám ảnh quyết liệt về đời sống hiện thực là đòi hỏi có thể nói rất cao đối với người sáng tác. “Văn xuôi Nghệ An nhìn chung đã bám sát hiện thực đời sống, trước hết là hiện thực của quê hương xứ Nghệ, đồng hành và trăn trở với số phận con người” (theo Đề dẫn nói trên); tuy nhiên, có thể nói, chưa có nhiều tác phẩm của văn xuôi Nghệ An mà trong đó thực sự “giải mã”  lên được những bức xúc trong hiện thực đời sống hiện nay. Lấy một ví như khi bàn về cây bút văn xuôi viết về đề tài “tam nông” Phan Thế Phiệt (Yên Thành), tham luận tại Hội thảo “Văn xuôi Nghệ An đầu thế kỷ XXI” của Hoàng Văn Hân cũng đã viết rất xác đáng: “Ước mong ở ta có những nhà văn viết về tam nông được như Nguyễn Ngọc Tư, Tạ Duy Anh cho ra thứ văn chương báo động, hay Ngô Phan Lưu với thứ văn chương có tính dự báo cao”… Lấy ví dụ này, là chúng tôi cũng muốn nói, sáng tác văn xuôi nói riêng và văn chương nói chung ở Nghệ An, có thể tạo nên những ám ảnh làng quê trong đề tài nông thôn mà ở đó, dường như sẽ thuận lợi hơn để đưa văn chương gần lại hơn với hiện thực, hay nói cách khác là “lặn” được vào hiện thực đời sống chăng?.

Trăn trở với số phận con người trong văn chương, mà ở đây là con người hiện tại và hiện thực, dù ở lăng kính xa hay gần, thủ pháp lột tả hay ám chỉ, thì cũng phải khái quát lên được thực trạng hiện thực xã hội. Văn xuôi Nghệ An thời gian qua, với nhiều cây bút đã khẳng định tên tuổi hay là cây bút mới xuất hiện, hầu hết trong tác phẩm của mình đã đi sâu vào miêu tả nội tâm, diễn biến tâm lý của nhân vật để từ đó gửi gắm những dụng ý trăn trở về thân phận của con người hiện thực, mà ít đưa ra những miêu tả về hành động của nhân vật; và có vẻ như “tự nhiên”, những xung đột cuộc sống (trong tác phẩm) để tháo gỡ những cái bức bối xã hội thực sự đã bị “ẩn” đi. Có thể những vấn đề bức bối ấy, tác giả đã trải nghiệm, đã nhìn ra, và có cả “phương án” để xử lý chất liệu văn chương của mình… nhưng cũng chính vì sự “trải nghiệm”, “nhận ra” nào khác nên đã không có nhiều lựa chọn sáng tác “đi” thẳng vào những không gian, bối cảnh, nhân vật và những xung đột xã hội hiện tại?. 

Bên cạnh tiểu thuyết, truyện ngắn, Hội thảo  “Văn xuôi Nghệ An đầu thế kỷ XXI” cũng đã bàn đến những tác phẩm báo chí văn xuôi trong cuốn sách “Trở lại làm dân” của tác giả Đặng Khắc Thắng. Thiên về ngôn ngữ chính luận báo chí, chất văn chương trong cuốn sách ít cũng có lẽ là bởi không nằm trong chủ ý của người viết. Nhưng với những giãi bày quan niệm sống, những vấn đề được đề cập và tính phê phán hiện thực xã hội một cách thẳng thắn được chuyển tải bằng lối viết chính luận hấp dẫn, đôi chỗ thẫm đẫm tính nhân văn, đã vừa tạo cho tác giả một giọng văn xuôi có nét riêng, vừa gợi mở một bản lĩnh của người cầm bút, mà ở đây đã có thể cho phép vượt ra ngoài khuôn khổ những tác phẩm báo chí thuần túy.

Tóm lại, dù là có tiềm năng, phong phú về tác phẩm, phát triển về đội ngũ sáng tác, đa dạng về thể loại, phong cách… nhưng có lẽ trong thực tế sáng tác văn chương hiện nay, việc hướng mạnh về sứ mệnh lột tả, “giải mã” hiện trạng xã hội hiện tại vẫn đang là đích phấn đấu của văn xuôi Nghệ An để thu hút bạn đọc hơn, và từ đó mới mong văn xuôi tỉnh nhà xuất hiện những “hiện tượng” văn học thực sự.

Anh Vũ