062954-1.jpgBali (Indonesia): Cấm bikini Hòn đảo du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Indonesia mới đây đã ban hành quy định hạn chế du khách mặc bikini đi lại tự do trên bãi biển. Hành động tưởng chừng rất đỗi bình thường này lại trở nên phản cảm ở Bali bởi có nhiều ngôi đền nằm ngay sát biển, nhiều du khách thản nhiên ăn mặc thiếu vải, tạo dáng tự do ngay phía trước công trình linh thiêng. Quy định này được ban hành cuối năm 2018, nhằm hạn chế sự xâm phạm của du khách đối với chốn tâm linh, có ý nghĩa quan trọng đối với người dân địa phương.
Ko Samet (Thái Lan): Cấm túi ni-lông Hòn đảo Ko Samet ở xứ sở chùa Vàng có một lệnh cấm mang tính chất bảo vệ môi trường, đó là cấm sử dụng túi ni-lông. Nếu vi phạm, bạn có thể bị phạt. Nguồn cơn của luật cấm này là tình trạng của hòn đảo một thời gian bị du khách tàn phá. Hòn đảo đón 1.500 du khách mỗi ngày, mang lại nguồn lợi kinh tế rất lớn. Nhưng sau khi mỗi đoàn khách rời đi, các công viên quốc gia, bãi biển đều ngập chìm trong túi ni-lông, chai lọ và nhiều loại rác thải.
Boracay (Philippines): Cấm xây lâu đài cát Hẳn du khách khắp nơi trên thế giới còn nhớ thời điểm hòn đảo thần tiên này tuyên bố đóng cửa không đón khách vì quá ô nhiễm. Sau 6 tháng được áp dụng nhiều biện pháp làm sạch làn nước biển và bãi cát, chính phủ nước này đã tốn đến 20 triệu USD. Để tình trạng không lặp lại, khi mở cửa trở lại, nhà chức trách đã đưa ra nhiều quy định nghiêm ngặt như không hút thuốc, uống rượu hay ăn uống trên bờ biển để giảm thiểu lượng rác thải xả ra biển và bảo tồn tối đa cảnh quan thiên nhiên. Thậm chí, các em nhỏ cũng không được phép xây lâu đài cát để tránh ảnh hưởng đến bãi cát tự nhiên.
Rome (Italy): Cấm rửa chân ở đài phun nước Kể từ tháng 1 năm nay, khu vực trung tâm thủ đô Italy đã thực hiện một số quy định nhằm ngăn chặn sự phá hoại của du khách với các công trình lịch sử, đồng thời giảm tiếng ồn và ô nhiễm không khí do khách du lịch gây ra. Chính quyền Rome đưa ra lệnh cấm với các hành động như phá hoại bức tường Colosseum hay rửa chân ở đài phun nước.
Florence (Italy): Cấm ăn trên đường Thành phố này đón hơn 10 triệu du khách từ nhiều quốc gia trên thế giới ghé thăm mỗi năm. Florence luôn ngập tràn khách du lịch ăn uống, nghỉ ngơi dọc các con phố. Chính quyền nhận ra hành vi này có ảnh hưởng xấu đến diện mạo của thành phố. Do đó, từ năm 2018, việc ngồi trên cầu thang và ăn uống trở nên bất hợp pháp. Tuy nhiên, lệnh cấm chỉ áp dụng ở 4 đường phố trung tâm. Nếu phạm luật, bạn bị phạt 500 USD.
Hà Lan: Cấm dùng điện thoại khi đạp xe Ở Hà Lan, người đi xe đạp không được phép nói chuyện điện thoại. Quy định này liên quan tới nhiều du khách bởi trải nghiệm thuê xe đạp, thong dong dạo qua các con phố cổ ở thủ đô Amsterdam và nhiều thành phố khác trở nên rất phổ biến. Giờ đây, du khách thuê xe đạp phải dừng xe nếu muốn nghe điện thoại, nếu không sẽ bị phạt 250 USD. Trước đây, việc nói chuyện trong khi lái ôtô mới bị coi là phạm luật nhưng từ tháng 7 sắp tới, quy định này áp dụng cho cả xe đạp. Lý do đơn giản là số vụ tai nạn tăng cao.
Venice (Italy): Đi đâu cũng phải mua vé Người dân địa phương Venice luôn cảm thấy phiền phức vì khách du lịch. Họ than phiền rằng khách đông tới mức họ không đi làm, hay ra khỏi nhà được. Đó là lý do từ ngày 1/5 tới, du khách sẽ phải trả phí 3 USD/ngày nếu muốn vào thăm khu phố cổ, nếu trốn vé, bạn sẽ bị phạt tới 450 USD. Những người thuê phòng ở khu phố này sẽ không phải trả vé vào cửa, tuy nhiên, họ phải đóng thuế du lịch.