Những mảnh đời lầm lỡ
Đến chùa Phúc Mỹ xã Yên Sơn, huyện Đô Lương, du khách thường thấy một người đàn ông trung niên bận đồ lam, khuôn mặt trầm tư, chăm chỉ tưới cây cảnh và tụng kinh gõ mõ cúng thị thực hàng chiều. Đó là anh Nguyễn Danh Chung (SN 1975), một phật tử đặc biệt của chùa. Nói là đặc biệt bởi con đường đến với chùa cũng như danh phận quá khứ của anh khác với những người xung quanh. Trước đó, anh đã có một thời lầm lỡ.
“Nghiện ngập và tù tội đã biến tôi thành một “đầu gấu”, mà về quê đi đến đâu người ta cũng kinh sợ, cứ nhìn thấy mặt là mọi người đều tìm cách lảng tránh”
Còn ở chùa Gám xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, du khách cũng bắt gặp một người đàn ông có thân phận gần giống anh Chung, đó là anh Nguyễn Công Thìn. Anh Thìn sinh năm 1976, là con trai duy nhất trong một gia đình ở phường Cửa Nam, TP Vinh.
Năm 2001, khi đang là sinh viên năm 4, do đua đòi bạn bè, hút hít, tiêm chích, anh đã sa vào vòng tù tội vì ma túy. Ra tù, cưới vợ chưa được bao lâu, anh lại chạy theo “bột trắng” và tiếp tục ngồi tù lần thứ 2. Con gái anh được sinh ra khi bố đang ở trong tù. Mãn hạn tù lần này, anh quyết tâm dứt bỏ chất gây nghiện, để sống một cuộc đời lương thiện với người thân, đặc biệt là vì đứa con còn nhỏ dại.
Tuy nhiên, cách nay 3 năm, sau mẹ anh ra đi vì căn bệnh ung thư thì vợ anh cũng li hôn… Bố mẹ mất, vợ bỏ, anh rơi vào khủng hoảng, suốt ngày ngập chìm trong rượu, nhiều lần anh đã tìm đến cái chết mà “không chết nổi”. Trong tình cảnh “sống cũng như chết” ấy, anh đã đến với chùa Gám như một sự tình cờ.
Quyết chí hoàn lương
Những người như anh Chung, anh Thìn… mà chúng ta gặp ở chùa Phúc Mỹ, chùa Gám cũng có thể gặp ở nhiều ngôi chùa khác. Tuy tính cách mỗi người mỗi vẻ, nhưng họ giống nhau ở quá khứ lỗi lầm và biết sám hối để hoàn lương.
Anh Chung kể: “Trong những ngày tháng ngồi tù đợt cuối, tôi được bạn bè trao cho những quyển kinh Phật nhỏ, để đọc cho khuây, nào ngờ càng đọc tôi càng thấy ý nghĩa và ngẫm ra nhiều thứ. Do đó sau khi ra tù được 2 ngày, nhờ sự hướng dẫn của mọi người, tôi đã tìm đến ngôi chùa gần nhà, xin thầy trụ trì cho sinh hoạt”.
Quan điểm của tôi là đánh người chạy đi, chứ ai đánh người chạy lại.
Đại đức Thích Huệ Phong – trụ trì chùa Phúc Mỹ (xã Yên Sơn- huyện Đô Lương) cho biết: “Quan điểm của tôi là đánh người chạy đi, chứ ai đánh người chạy lại, nên nghe anh Chung nói về hoàn cảnh và muốn vào chùa sinh hoạt, tôi đã chấp nhận. Tuy nhiên, để nhận những người như anh Chung, cũng phải lường trước các tình huống sẽ xảy ra. Cho đến giờ phút này có thể nói là mọi sự đã ổn, anh Chung đã có nhiều tiến bộ”.
Gắn bó với chùa Phúc Mỹ hơn 8 tháng nay, anh Chung đã chuyên tâm lao động, làm hết mọi việc từ quét dọn, lau tường, trồng hoa, tưới cây, thực hành các nghi thức tụng kinh, niệm Phật cúng thị thực… Trong một buổi lễ tại chùa năm 2018, mọi người đã vô cùng xúc động khi thấy anh thực hiện nghi thức rửa chân cho bố anh với tình cảm chân thành và cung kính nhất.
Người bố năm nay 75 tuổi không dấu nổi niềm phấn khởi chia sẻ: “Bao nhiêu năm vô tù ra tội, gia đình tôi đã hết khổ vì nó. Từ ngày đi chùa, bỗng nhiên nó thay đổi đến bất ngờ, hiền lành, tử tế. Đặc biệt là nó quên được ma túy, không tái phạm chuyện cũ như trước đây là điều mà chúng tôi vui mừng nhất”.
Từ ngày đi chùa, bỗng nhiên nó thay đổi đến bất ngờ, hiền lành, tử tế. Đặc biệt là nó quên được ma túy, không tái phạm chuyện cũ như trước đây là điều mà chúng tôi vui mừng nhất”.
Với anh Nguyễn Công Thìn, sau hơn nửa năm tá túc tại chùa Gám (xã Xuân Thành, huyện Yên Thành), được Đại đức Thích Tuệ Minh – trụ trì chùa kèm cặp, hướng dẫn, anh đã thoát khỏi tình trạng khủng hoảng tinh thần, sống lạc quan hơn. Hàng ngày, anh tích cực chăm sóc vườn hoa cây cảnh, dọn dẹp vệ sinh, hỗ trợ công nghệ thông tin, hỗ trợ sinh hoạt cho một số người trong trung tâm khuyết tật... Lung linh đêm hoa đăng tại chùa Gám. Ảnh tư liệu
Trường hợp như anh Thìn không phải là đặc biệt ở chùa Gám, theo Đại đức Thích Tuệ Minh, những năm qua, tại chùa đã cưu mang 5 trường hợp như vậy. Ngoài ra ở các chùa khác cũng đã tiếp nhận một số người có lí lịch cá nhân tương tự. Họ đều là những người đã từng sa vòng lao lý, tù tội, nghiện ngập… đến với chùa như một cứu cánh lúc gian nguy và đều được các chùa mở rộng vòng tay. Những năm qua chùa Gám đã không ngừng được xây dựng tôn tạo để ngày mỗi đẹp hơn, nhất là những khi Xuân về. Ảnh tư liệu
Nhớ lại những ngày đã qua, anh Thìn cảm thấy vô cùng hối hận, nhất là đối với người mẹ đã quá cố của mình: “Mỗi lần về thăm nhà, nhìn di ảnh của bà, nghĩ lại những ngày tôi nghiện ngập, mà thấy thương cho mẹ tôi. Tôi đã hoàn lương, nhưng mẹ tôi thì không còn nữa”. Có lẽ vì nỗi day dứt này mà từ khi vào chùa, nhận được sự chia sẻ của các sư thầy, anh đã cố gắng không cho các ý nghĩ xấu xâm nhập, quyết “không bao giờ trở lại con đường cũ”.
Cảm hóa bằng tình yêu thương
Để chuyển hóa thân tâm những con người đã một thời lầm lỡ, các sư thầy ở các chùa đã có nhiều phương pháp tác động, như chia sẻ, động viên, hướng dẫn… trong đó chủ yếu lấy đức từ bi để cảm hóa.
Phải lấy tình thương yêu làm trọng, đức từ bi sẽ giúp mọi người sống thân thiện, hòa đồng. Khi đã có sự tin tưởng, khích lệ, họ sẽ nhận thức được sai lầm để sám hối và sửa chữa
Đại đức Thích Tuệ Minh – trụ trì chùa Gám chia sẻ: “Mỗi người một vẻ, không ai giống ai, do đó khi tiếp xúc và tư vấn cho những người này, phải linh động, tùy cơ ứng biến. Tuy nhiên phải lấy tình thương yêu làm trọng, đức từ bi sẽ giúp mọi người sống thân thiện, hòa đồng. Khi đã có sự tin tưởng, khích lệ, họ sẽ nhận thức được sai lầm để sám hối và sửa chữa”.