(Baonghean.vn) - Mấy hôm nay xã hội sục sôi với việc cải tiến chữ viết tiếng Việt. Ý kiến ủng hộ có, hoài nghi có, thậm chí cũng có những ý kiến cực đoan rồi thi nhau “ném đá”.

Mới chỉ là ý tưởng, mà từ ý tưởng tới thiết kế chi tiết, từ thiết kế tới triển khai thực hiện là những khoảng cách rất xa nhưng sức nóng đã cực lớn. Liệu như thế rồi chúng ta có đi tới sự thống nhất, dù chỉ về mặt nguyên tắc?

Xung quanh vấn đề này, xin nêu mấy ý như sau:

- Thứ nhất, chúng ta hãy quay lại vấn đề cơ bản, có tính nguồn gốc, đó là chức năng của chữ viết và mối quan hệ giữa chữ viết với ngôn ngữ. Ai cũng biết rằng ngôn ngữ có trước chữ viết, ngôn ngữ tồn tại dưới dạng âm thanh, ký hiệu và thậm chí là hình ảnh. Chữ viết xuất hiện là để khắc phục những hạn chế của ngôn ngữ-âm thanh như việc lưu truyền thông tin theo thời gian và không gian.

Có rất nhiều dân tộc trong lịch sử cũng như hiện nay có ngôn ngữ âm thanh để giao tiếp với nhau nhưng vẫn chưa có chữ viết. Và điều này làm hạn chế việc lưu giữ thông tin của dân tộc đó.

images2070065_v__d__c_a_c_i_ti_n_ti_ng_vi_t.jpgVí dụ của cải tiến tiếng Việt -Ảnh minh họa

Nói vậy để thấy rằng chữ viết sinh ra là để biểu đạt các âm thanh theo logic âm tiết của từng loại ngôn ngữ. Tức là phát âm như thế nào thì chữ viết phải được thiết kế tương ứng, nếu cách phát âm chưa thay đổi thì chữ viết đã cần phải khác đi chưa và nếu có thay đổi thì thay đổi như thế nào?

- Thứ hai, trong bộ chữ cái tiếng Việt hiện tại quả là cũng phức tạp, vấn đề này nằm ở việc thiết kế các phụ âm kép,c hẳng hạn: ph hoặc ở cách phát âm của các chữ “gi với d”, “g với gh”, “ng với ngh”... Thực tế phát âm của hầu hết mọi người là không phân biệt được giữa 2 cặp chữ cái vừa nêu. Vì vậy trong khi viết nhiều người rơi vào tình huống mà chúng ta gọi là “sai lỗi chính tả”.

Hậu quả của sai lỗi chính tả không đơn thuần chỉ về mặt ký tự mà còn dẫn đến sai về mặt nghĩa của từ. Chúng tôi đã gặp một vài tình huống trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự là khi phiên âm tiếng nước ngoài thành âm Việt mỗi người diễn đạt bằng tiếng Việt theo các cách khác nhau, hệ quả là khi đối chiếu với văn bản thì hoàn toàn khác nhau, dẫn đến phải huỷ án hay quyết định tố tụng đã ban hành;

- Thứ ba, từ tình hình như trên chúng tôi thấy ý tưởng về việc thay đổi chữ cái tiếng Việt không hẳn là những suy nghĩ viển vông, xa rời thực tế. Điều cần bàn ở đây là nếu phải cải tiến thì cải tiến đến mức độ nào, không bảo thủ nhưng cũng không nên quá phá cách theo kiểu gây sốc mà nên tuân thủ nguyên tắc đã nói ở ý thứ nhất và những bất cập hiện tại của tiếng Việt như nói ở ý thứ hai trên đây;

- Điều cuối cùng, chúng tôi tôn trọng các ý tưởng, bởi có ý tưởng mới có sáng kiến, phát minh, sáng chế. Ý tưởng có thể đúng, có thể chưa phù hợp, thậm chí phi lý nhưng nếu vùi dập ý tưởng thì e rằng đấy chưa phải là ứng xử đúng đắn để nuôi dưỡng sáng tạo.

Nguyễn Phúc Nam Đàn

TIN LIÊN QUAN