Ông Nguyễn Văn Độ - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại hội trường. Ảnh: Đức Anh Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội trong năm 2018, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đồng tình với những kết quả đạt được, nhiều hoạt động nổi bật được làm rõ, đáng ghi nhận. Ông Nguyễn Văn Độ cho rằng, nếu so sánh với dài hạn, thì những phần việc đặt ra còn rất nhiều "nặng nề", tuy nhiên "không lấy đó mà nhụt chí phấn đấu".
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận định, năm 2018 là một năm nổi trội với hoạt động xúc tiến đầu tư. Điều này được minh chứng qua lượng dự án đầu tư vào Nghệ An, tính đến nay đã có 395 hồ sơ chủ trương đầu tư được tiếp nhận, trong đó có 124 dự án có nguồn vốn đầu tư đạt 10.000 tỷ đồng đang chờ được xử lý. Đây là kết quả của những đổi mới trong cách làm, tích cực cải cách hành chính, mở cửa và tạo hành lang đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Trên cơ sở mục tiêu đề ra, và căn cứ vào đánh giá thực lực hiện tại, gắn với dự báo trong những năm tới, ông Nguyễn Văn Độ đề ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Trong đó, cải thiện môi trường kinh doanh được xem là giải pháp “xương sống”.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đây vừa là giải pháp trọng tâm, vừa đặt ra những thách thức cho các cấp ủy, chính quyền, sở, ban, ngành đồng loạt vào cuộc. Bên cạnh đó, lĩnh vực đầu tư công cũng cần có phân cấp công khai minh bạch, tránh chồng chéo trong đầu tư.
Liên quan về nợ đọng xây dựng cơ bản, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phân tích, cần được hiểu theo 2 vế: nợ đọng cơ bản theo đầu tư công là nợ trong kế hoạch đầu tư đã ban hành. Việc rà soát được triển khai bởi các cấp, các ngành, và được UBND tỉnh thông qua. Phần nợ đọng này trong năm đạt 1.900 tỷ đồng. Theo lộ trình đề ra, cơ bản tiến độ trả nợ đạt 98%.
Phần còn lại được gọi là “nợ khác” bao gồm nợ từ các cấp chưa báo cáo đầy đủ trong hệ thống. Vấn đề này tỉnh đã có chỉ đạo nhiều công văn, song đến nay vẫn chưa có sự phản hồi.
Một trong phần "nợ khác" còn là nợ từ các nhà thầu cam kết. Theo quy định, tất cả các loại nợ phát sinh mà các nhà thầu tự bỏ vốn ra hoạt động, trước khi được xét duyệt, thì không được thanh toán. Tuy nhiên, thực tế tình trạng này vẫn xảy ra, và hiện tại các sở, ngành liên quan đang tập trung chỉ đạo giải quyết.
Để giải quyết vấn đề nợ đọng này, ông Nguyễn Văn Độ đã đề ra 2 giải pháp chính, bao gồm: lựa chọn những hạng mục để hoàn thành và đưa vào khai thác; chuyển đổi hình thức, huy động các nguồn lực khác.