(Baonghean) - Mới đây ở bản Khe Ngạu (xã Xá Lượng - Tương Dương) có nhà mở rượu cần ăn mừng cái cầu mới. Cầu là của chung cả bản, cả xã, nói xa ra là của cả Nhà nước nữa. Vì nghe đâu để làm được cầu cho dân đi phải tốn hơn hai chục tỷ bạc. Nhiều vốn vậy thì phải cần đến Nhà nước giúp.

Dân bản mừng cũng phải, Nhà nước đầu tư như thế cũng phải. Mấy năm nay cả bản phải đi đò rồi đi cầu phao vượt sông Nậm Mộ. Muốn bán củ sắn, quả bí cũng phải gùi rồi chuyển qua sông mới bán được. Ngày trước đã có 2 cây cầu được Nhà nước xây rồi, nhưng cái nào cũng “chết non”. Giờ người ta làm hẳn cái cầu cao hơn mặt đường, đồ rằng sẽ sống thọ hơn những cái trước đó. Âu cũng là Nhà nước sửa lỗi với dân vì đã làm công trình thì phải cho đảm bảo chứ.

Người lớn mở rượu cần vui một thì học trò vui mười, vui trăm. Chả là học sinh cấp 2, cấp 3 đi qua sông nhiều nhất, mỗi ngày ít ra cũng hai lần sáng đi trưa về. Có đứa sợ nước, có đứa không, nhưng phải đi đò, đi cầu nứa thả trôi trên sông đứa học sinh nào cũng không thấy thoải mái, an toàn. Nay có cầu chúng nó tha hồ đi bộ, đi xe đạp đến lớp. Vậy là sướng rồi. Mà bọn nó cũng xứng đáng được hưởng cái sướng như thế lắm chứ. Nghe đâu có nhà thi công ở Hà Nội về thấy thương học trò nên nhất quyết làm cho nhanh dù có thể chưa nhận đủ tiền công, tiền xi măng, sắt thép…

Ở Khe Ngạu vui vậy nhưng có bản K tận xã biên giới nọ thì lại có chuyện nghe chẳng mấy hay ho. Chả là chính quyền huyện có chủ trương xây nhà bán trú cho học sinh ở xa có chốn ăn ngủ, học hành. Ấy vậy mà người dân và cả ban quản lí nhất quyết không cho và bảo rằng nếu xây vậy sẽ che khuất nhà của hai hộ gia đình, khi mở cửa ra không còn nhìn được xa nữa. Lại bảo rằng chỉ có con em dân bản ở xa được hưởng chứ con em trong bản có gì đâu. Nó rồi người ta còn làm hàng rào ngăn xe chở vật liệu vào làm nhà bán trú. Trong khi phần này chính quyền đã quy hoạch cho việc xây dựng trường học từ lâu rồi.

Thế mới biết có người không ngại chậm tiền để xây cầu cho học sinh đi học, lại có một số người chỉ nghĩ cho mình. Chỉ vì cái mắt nhìn không được xa và con em mình không được hưởng mà bọn nhỏ nhà xa đi học lại chưa có nhà để ở. Xem ra thì cũng vì người lớn mà trẻ con đi học được sung sướng mà cũng tại người lớn ích kỷ mà có nơi học sinh vẫn chưa được hưởng niềm vui!

H.V (ghi)