(Baonghean) - Nói đúng ra là Hiền đã chối bỏ người chồng với 2 đứa con nhỏ dại để đi tìm cuộc sống giàu có hơn với thân phận làm vợ một người đàn ông Trung Quốc. Cuộc sống mới không như mơ, Hiền nghĩ cách kiếm tiền từ việc lừa gạt chính những người phụ nữ quê mình. Và cô đã phải trả giá cho những việc làm sai trái đó...
Phòng xét xử như rộng hơn khi Vi Thị Hiền (SN 1984, trú tại xã Quang Phong, Quế Phong) trơ trọi đứng trước vành móng ngựa. Hôm nay, không có người thân nào của Hiền tới tham dự phiên tòa. Các bị hại vì lý do khác nhau cũng không đến. Hành trình trở thành tội phạm của Hiền đáng trách hơn là đáng buồn. 18 tuổi, Hiền lấy chồng, là người cùng bản, hơn vợ 1 tuổi. Hai đứa con lần lượt ra đời. Cuộc đời có lẽ sẽ êm đềm trôi như bóng mây qua sườn núi nếu như Hiền biết an phận. Nhưng Hiền không muốn sống cảnh nghèo khó khi hai vợ chồng làm lụng cùng lắm cũng chỉ đủ ăn. Rồi một hôm tỉnh dậy, chồng Hiền và 2 đứa con ngơ ngác khi vợ đã biến mất cùng mấy bộ quần áo. Người đàn ông bị vợ chê nghèo ấy hiểu rằng, vợ mình đã đi theo những người khác sang Trung Quốc lấy chồng để mong một cuộc sống sung sướng hơn. Hiền đi biền biệt mấy năm, đợi cũng chẳng thấy về, anh đành cưới vợ mới. Cuộc hôn nhân của Hiền tan vỡ đơn giản như thế vì ưng cái bụng thì về ở với nhau chứ đã có cái giấy đăng ký kết hôn đâu. Bố đi lấy vợ mới, hai đứa trẻ về sống với ông bà ngoại cùng người cậu hơn mình vài tuổi. Năm 2012, mẹ của Hiền qua đời, bố Hiền gần 60 tuổi nai lưng làm lụng nuôi con và hai cháu.
Còn Hiền, sau khi bỏ người chồng nghèo ở quê sang Trung Quốc làm vợ người, cuộc sống mới không như mơ tưởng khiến Hiền bi quan, chán nản. Trong lúc đó, Hiền gặp Vi Thị Ấn, một người sang Trung Quốc lấy chồng. Ấn rủ Hiền về Việt Nam tìm phụ nữ để bán sang Trung Quốc làm vợ, cứ đưa được một người đi, Ấn sẽ trả cho Hiền 10 triệu đồng. Không chút đắn đo, do dự, Hiền gật đầu đồng ý. Hiền và Ấn về quê, tìm gặp những cô gái và cả những phụ nữ đã có chồng, ngọt nhạt rủ rê sang Trung Quốc làm thuê hoặc lấy chồng. Cả hai vẽ ra cuộc sống sung túc, đầy đủ hoặc công việc nhàn nhã với mức lương cao. Choáng ngợp trước viễn cảnh của Ấn và Hiền vẽ ra, có 2 người đồng ý đi sang Trung Quốc. Ngày 6/1/2015, khi Hiền thuê xe ôm chở 2 nạn nhân xuống TP. Vinh thì bị lực lượng Đồn Biên phòng Tri Lễ phát hiện và bắt giữ. Riêng Vi Thị Ấn đã kịp bỏ trốn khỏi địa phương và sau đó bị cơ quan điều tra truy nã nhưng đến nay vẫn chưa bắt được.
Tại phiên tòa, Hiền cho rằng, việc mình đưa 2 nạn nhân sang Trung Quốc là để giúp đỡ họ có cuộc sống đỡ vất vả hơn. Hiền không biết, làm như vậy là vi phạm pháp luật. Tòa bước vào nghị án, tôi có cuộc trò chuyện ngắn với Hiền, những mong khơi gợi được một lý do nào đấy để biện minh cho hành vi của thị. Thế nhưng, đáp lại là những câu trả lời nhát gừng, thậm chí có phần hờ hững khi Hiền nói về con. “Hai đứa nhỏ giờ ở với ai?” - “Đứa lớn ở với ông và cậu. Đứa nhỏ bố nó đón về rồi”. “Liệu ông còn đủ sức khỏe để nuôi cả con lẫn cháu ăn học không?” - “Không biết”. “Giờ đi tù, em lo sợ nhất điều gì?” - “Không biết”. “Em không sợ con phải thất học à?” - Im lặng. “Em có biết chữ không?” - “Không!”. “Tại sao hai vợ chồng lại chia tay?”. “Không hợp thì bỏ thôi. Em bỏ chồng”. “Anh ta đối xử tệ bạc với em à? - “Không. Không hợp thì bỏ”, Hiền trả lời ráo hoảnh.
Xét thấy Vi Thị Hiền là người dân tộc thiểu số, nhận thức pháp luật hạn chế, phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối lỗi nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật. Sau khi cân nhắc, HĐXX tuyên phạt Vi Thị Hiền 6 năm tù. Đó là cái giá mà Hiền phải trả cho những hành vi phạm tội của mình. Thế nhưng trong 6 năm đó, liệu người bố năm nay 60 tuổi của Hiền có đủ sức thay con nuôi cháu ăn học hay không?
Trung Thành