(Baonghean) - Không chỉ là người đầu tiên mạnh dạn vào khai hoang, mở đất ở khe Chan mà ông còn tích cực vận động người dân làm theo, cho những hộ nghèo mượn ruộng nương của gia đình để canh tác, ổn định cuộc sống. Đó là chuyện về ông Lữ Văn Việt ở bản Toóng 2, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu.

Dù đã hẹn trước, nhưng phải chờ đợi một lúc, người đàn ông hay lam, hay làm ấy mới tất bật trở về từ đồng ruộng. Ông Lữ Văn Việt vóc người tầm thước, miệng luôn nở nụ cười hồn hậu. Ông bảo, hai ông bà đã nhận chế độ hưu trí lâu rồi, nhưng thói quen siêng năng lao động không cho tuổi già ngơi nghỉ. Thế là ông bà bàn với con cái, tận dụng nhân lực rảnh rỗi, vào khai hoang đất tại khu vực khe Chan. Khe Chan có diện tích rộng lớn bị bỏ hoang từ nhiều năm nay, trong khi ở các bản, đất sản xuất còn thiếu. Nghĩ là làm, 2 năm trời ròng rã, ngày cũng như đêm gia đình ông thức, ngủ cùng những thớ đất khe Chan, để đến hôm nay, vùng đất hoang vu thuở nào đã thành đồng, thành bãi… ngút ngàn xanh tươi cây trái, rau màu, ao cá. Mô hình của gia đình ông mang lại hiệu quả kinh tế cao, và quan trọng hơn cả, đây chính là bằng chứng sống động, thiết thực giúp người dân các bản trong xã Châu Phong, nhất là những hộ nghèo tin tưởng làm theo. 
 
Ông Lữ Văn Việt nhớ lại: “Thuở ban đầu, bên cạnh nhiều người tin thì vẫn còn những người chần chừ, nghi ngại chưa dám làm, sợ công sức và vốn đầu tư cao mà không mang lại hiệu quả. Tôi bàn với vợ con, cho họ mượn đất lúa của gia đình để canh tác và khuyến khích khai hoang thêm đất đai để làm ăn. Đời sống mình đã ổn định, nhìn bà con còn nghèo, còn thiếu thốn, sao đành …”. Và ông Lữ Văn Việt đã tận tình chỉ bảo, hướng dẫn bà con kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi trồng cho đến khi thành công. Với sự giúp đỡ vô tư, tận tình của ông Việt, hộ sau nhìn hộ trước vào làm ăn biến khu vực khe Chan thành khu dân cư trù phú với 25 hộ dân. Khi thấy người dân vào khai hoang đông, ông vận động các hộ thuê máy múc làm đường để đi lại. 
 
images1392014_1.jpgÔng Lữ Văn Việt (ngoài cùng bên trái) trao đổi phương thức làm việc với người dân trong bản.
 
Đến nay, từ những bước đi tiên phong của ông Việt, nhiều hộ đã hình thành được gia trại với thu nhập hàng năm khoảng 40 triệu đồng. Đối với gia đình ông Việt, sau bao năm miệt mài, diện tích đất ông khai hoang lên gần 1 ha, ông còn mua máy cày, máy tuốt lúa để vừa phục vụ gia đình, vừa giúp đỡ bà con trong sản xuất. Điều đáng nói ở ông là tấm lòng sẻ chia với cộng đồng. Trên diện tích đất canh tác của gia đình, ông chỉ giữ lại 2.500 m2 đất để làm kinh tế, số còn lại, ông cho gia đình anh Nguyễn Văn Kình ở bản Bua và anh Lữ Văn Long ở bản Toóng 2 là 2 hộ nghèo, không có đất sản xuất mượn, tổng cộng hơn 6.000m2 đất để làm kinh tế, gây dựng cuộc sống gia đình.
 
Không chỉ giỏi làm kinh tế, hết lòng với người nghèo, ông còn là tấm gương đi đầu trong các hoạt động của cộng đồng. Khi bản Toóng 2 triển khai xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, ông đã bàn với gia đình hiến 300m2 đất mà không chút đắn đo. Ngoài ra, trên cương vị là Phó Chi hội trưởng Chi hội Nông dân bản Toóng 2, ông đã tích cực vận động nhân dân, hội viên hiến đất, hiến cây, dỡ bỏ bờ rào để làm đường giao thông nông thôn mới. Lúc đầu, mọi việc cũng khó khăn vì mọi người chưa thông suốt, nhưng với uy tín của bản thân cùng những lý lẽ vận động thuyết phục, nhân dân dần hiểu được lợi ích của việc mở đường.
 
Cả bản Toóng 2 có hơn 20 hộ tự nguyện hiến đất, chặt cây và dỡ bờ rào làm 1 km đường theo quy định. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vi Văn Chân, Bí thư Đảng ủy xã Châu Phong (Quỳ Châu) cho biết: “Vừa làm kinh tế giỏi, đồng chí Lữ Văn Việt vừa là điển hình “dân vận khéo” trong mọi công việc lớn, nhỏ ở cộng đồng. Với những việc làm của mình, đồng chí Lữ Văn Việt là già làng rất có uy tín, được nhân dân địa phương kính trọng, nể phục và làm theo”.
 
Bài, ảnh: Thành Duy