(Baonghean) - Đầu tháng 4/2015, Báo Nghệ An liên tục nhận được tin báo có một nhóm người, với danh nghĩa đoàn văn nghệ của Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề hỗ trợ trẻ thiệt thòi (thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam) đến các trường học trên địa bàn huyện Kỳ Sơn giao lưu và quyên góp tiền. Những người báo tin phần lớn không đồng tình với những hoạt động quyên góp kiểu này, nhất là lại được tổ chức ở vùng sâu, vùng xa, nơi cán bộ, nhân dân còn gặp nhiều khó khăn...

Giao lưu văn nghệ và quyên tiền
 
Trong buổi sáng 9/4, hai trường THCS Thị trấn Mường Xén và THCS Dân tộc nội trú Kỳ Sơn cùng "được" tiếp đón đoàn văn nghệ của Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề, hỗ trợ trẻ thiệt thòi về giao lưu, biểu diễn văn nghệ. Trong đoàn, trừ nữ trưởng đoàn và tài xế lành lặn, thì còn lại đều là người khuyết tật. Việc biểu diễn văn nghệ diễn ra nhanh chóng. Một chiếc phông đã cũ nhàu in tên, địa chỉ trung tâm và dòng chữ “Nhiệt liệt chào mừng buổi gặp gỡ giao lưu văn hóa, văn nghệ tiếng hát của các trẻ em khuyết tật, thiệt thòi” được treo vội ngay giữa sân trường làm sân khấu.
 
Sau các tiết mục văn nghệ (trong khoảng 1 tiếng đồng hồ) là phần kêu gọi quyên góp tiền ủng hộ các em học sinh khuyết tật. Một chiếc hộp bằng kính được đặt trên ghế ngay dưới sân khấu để các thầy, cô giáo và các em học sinh ủng hộ tiền cho "đoàn các em học sinh khuyết tật". Với sự kêu gọi của ban giám hiệu nhà trường, chỉ trong một thời gian ngắn, các thầy, cô giáo và học sinh 2 trường THCS Thị trấn Mường Xén và THCS Dân tộc nội trú Kỳ Sơn đã ủng hộ cho đoàn số tiền 5 triệu đồng được kiểm đếm ngay tại văn phòng nhà trường, lãnh đạo đoàn nhận tiền và viết giấy biên nhận, nói lời cảm ơn rồi rời khỏi trường.
 
images1152976_a7_ti_t_m_c_van_ngh__c_a_tr__em_t_n_t_t__thi_t_th_i.jpgTiết mục văn nghệ của trẻ em tàn tật, thiệt thòi. Ảnh: CTV
 
Trước đó, từ ngày 30/3, đoàn của Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề hỗ trợ trẻ thiệt thòi nói trên đã có mặt tại huyện Kỳ Sơn, và đến ngày 8/4 đã đến 22 điểm trường trong huyện để “giao lưu” văn nghệ và quyên tiền. Cách thức quyên tiền đều theo hình thức kêu gọi ủng hộ tương tự như tại 2 trường THCS Thị trấn Mường Xén và THCS Dân tộc nội trú Kỳ Sơn. Trong bối cảnh đời sống của đại bộ phận nhân dân, cán bộ và các thầy, cô giáo, học sinh ở Kỳ Sơn đang thiếu thốn đủ bề thì số tiền quyên góp được là khá lớn.
 
Đơn cử như ở điểm trường PTDT bán trú THCS Nậm Càn (sáng 2/4/2015), sau chừng 40 - 50 phút biểu diễn văn nghệ của những người khuyết tật, đoàn này đã quyên góp được 6.143.000 đồng. Tại xã biên giới Nậm Cắn, điểm biểu diễn được tổ chức chung cho học sinh Trường Tiểu học Nậm Cắn và Trường Mầm non Nậm Cắn, thu được hơn 4,3 triệu đồng, trong đó cô và trò trường tiểu học ủng hộ 3,4 triệu đồng, các cô giáo và học sinh trường mầm non ủng hộ 900 ngàn đồng. Còn ở Trường THCS Dân tộc bán trú Bảo Nam, Hiệu trưởng nhà trường - thầy giáo Nguyễn Duy Thảo cho biết, tại chương trình biểu diễn của đoàn vào sáng 31/3, học sinh và giáo viên trong trường đã ủng hộ hơn 2 triệu đồng; tại Trường Tiểu học Mường Xén, đoàn quyên góp được 2,2 triệu đồng...
 
Thùng quyên góp. Ảnh: CTV
 
Cần xem xét, quản lý
 
Trước khi đến Kỳ Sơn lần này, vào ngày 28/2/2015, trung tâm có gửi công văn đến UBND huyện Kỳ Sơn với nội dung: Đề nghị huyện quan tâm, đồng ý cho các em học sinh khuyết tật, thiệt thòi của trung tâm được về gặp gỡ, giao lưu văn hóa, văn nghệ với học sinh các trường trên địa bàn huyện. Gửi kèm công văn là bản kế hoạch “về việc gặp gỡ, giao lưu, văn hóa, văn nghệ với chủ đề “Nhịp cầu cộng đồng”. Bản kế hoạch nêu cụ thể thời lượng chương trình giao lưu tại mỗi đơn vị, trường học là 35 - 40 phút; phương tiện đi lại, âm thanh loa đài, phông bạt buổi giao lưu do đoàn chuẩn bị. Bên cạnh đó, đề nghị UBND huyện Kỳ Sơn: Thông báo bằng văn bản đến Phòng GD&ĐT huyện và UBND các xã, thị trấn, Ban Giám hiệu các trường học để trung tâm đến làm việc trực tiếp thống nhất nội dung giao lưu.
 
Theo bà Cụt Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, vì thấy nội dung chỉ đơn thuần là giao lưu văn nghệ với học sinh vùng sâu, vùng xa nên huyện đã có văn bản gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo đề nghị phối hợp, tạo điều kiện cho đoàn được tổ chức giao lưu. “Chúng tôi chỉ nghĩ rằng họ đến để giao lưu văn hóa, văn nghệ, đưa học sinh đi như một hình thức ngoại khóa chứ không biết có tình trạng quyên góp, ủng hộ tiền. Kỳ Sơn còn rất nghèo, gia đình các em học sinh và giáo viên đang thiếu thốn đủ bề...” - bà Cụt Thị Nguyệt nói.
 
Bởi Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề, hỗ trợ trẻ thiệt thòi là đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, vậy nên phóng viên đã làm việc với Hội Khuyến học tỉnh để có thêm thông tin. Thật bất ngờ khi ông Trần Xuân Bí, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết: "Bây giờ mới có thông tin về các hoạt động giao lưu văn nghệ và quyên góp tiền của Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề, hỗ trợ trẻ thiệt thòi trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh". Qua điện thoại, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh nhắc ông Nguyễn Đức Thinh, Phó Giám đốc trung tâm rằng "các anh khi về các địa phương, cần qua Hội để trao đổi về các hoạt động của mình". Còn với phóng viên, Chủ tịch Hội Khuyến học bày tỏ sự băn khoăn về những hoạt động quyên góp của Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề hỗ trợ trẻ thiệt thòi, đặc biệt không hài lòng khi việc quyên góp diễn ra tại nhiều điểm trường ở huyện Kỳ Sơn, là địa bàn đặc biệt khó khăn luôn được cả nước quan tâm giúp đỡ. "Đến Kỳ Sơn giao lưu văn nghệ thì còn được chứ đến đấy để kêu gọi giúp đỡ thì thật vô lý..." - Chủ tịch Hội Khuyến học Trần Xuân Bí băn khoăn.
 
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, theo ông Nguyễn Đức Thinh, thì trung tâm có chức năng và được phép tổ chức giao lưu văn nghệ, kêu gọi thiện nguyện giúp đỡ trẻ khuyết tật. Hỏi rằng, trung tâm có quỹ xã hội, từ thiện hay không? Nếu thành lập thì cấp thẩm quyền nào cấp phép? Ông Thinh cho biết, trung tâm trực thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam; các hoạt động văn nghệ đã được Bộ VH-TT&DL cho phép; Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề hỗ trợ trẻ thiệt thòi được phép thành lập các phòng ban, và đã xây dựng một bộ phận làm công tác gây quỹ từ thiện để phục vụ các hoạt động nhân đạo. "Sang tuần sau tôi sẽ trở vào Nghệ An, khi đó chúng tôi sẽ cung cấp hồ sơ của trung tâm để báo rõ..." - ông Nguyễn Đức Thinh nói.
 
Tìm hiểu được biết, đây là lần thứ hai đoàn Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề hỗ trợ trẻ thiệt thòi đến các trường trên địa bàn Kỳ Sơn biểu diễn văn nghệ và quyên góp tiền. Trước khi đến Kỳ Sơn lần này, đoàn đã đến rất nhiều điểm trường ở huyện Tân Kỳ, TX. Thái Hòa... biểu diễn văn nghệ và cũng tổ chức quyên góp tiền. Như tại TX. Thái Hòa, từ ngày 22/1, đoàn của Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề hỗ trợ trẻ thiệt thòi đã biểu diễn văn nghệ và quyên góp tại 19 điểm trường gồm 12 trường tiểu học và 7 trường THCS. Là một đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Khuyến học, nhưng khi về địa phương lại không trao đổi các hoạt động của mình với tổ chức hội địa phương, bên cạnh đó, lại chỉ chú trọng tới những địa bàn xa trung tâm để hoạt động quyên góp, vậy nên, những việc làm của Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề hỗ trợ trẻ thiệt thòi đang tạo ra mối nghi ngại, những dư luận không tốt. Chúng tôi xin đặt câu hỏi, cách quyên góp như vậy có nên chăng?!.
 
Nhóm P.V