Sặc sữa là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (dưới 2 tuổi). Cha mẹ không để ý kỹ và không biết cách xử lí có thể gây nguy hiểm tính mạng của bé nếu đường thở của bé bị tắc nghẽn do bị sặc sữa. 

Hiện tượng ọc sữa, trớ sữa và sặc sữa lên mũi được phân thành 2 loại ở trẻ sơ sinh, gồm có: Hiện tượng sinh lý và hiện tượng bệnh lý.

Có đến 95% tình trạng ọc sữa, trớ sữa là hiện tượng sinh lý - các mẹ có thể yên tâm vì đây là điều bình thường ở trẻ sơ sinh.

Tuy nhiên, 5% còn lại chính là hiện tượng ọc sữa, trớ sữa bệnh lý. Nguyên nhân chính gây nên hiện tượng ọc sữa bệnh lý là do các bệnh sau: tắc ruột, lồng ruột hoặc nhiễm khuẩn tiêu chảy. Vì vậy, nếu quan sát thấy có điều gì bất thường, bé cần được bác sĩ thăm khám kịp thời để được hướng dẫn điều trị sớm nhất có thể và đúng cách, tránh gây hậu quả về sau.

 
155815-2.jpg


Nếu hiện tượng trẻ bị ọc sữa hoặc trẻ bị sặc sữa lên mũi xảy ra trong thời gian ngắn, với tần suất ít, sau khi ăn và không gây ra triệu chứng gì đáng kể thì được xem là hiện tượng sinh lý. Còn hiện tượng ọc sữa, trớ sữa bệnh lý thì sẽ có tần suất xảy ra thường xuyên, kéo dài hơn và có thể gây ra những triệu chứng lâm sàng với nhiều mức độ khác nhau. 

Ọc sữa hay bị nôn trớ sữa là tình trạng thường gặp ở các bé sơ sinh (dưới 3 tháng tuổi) và các bé nhỏ dưới 2 tuổi. Đặc biệt, tình trạng này xuất hiện thường xuyên và chủ yếu ở các bé sơ sinh, nguyên nhân đầu tiên là do dạ dày các bé còn nằm ngang, góc giữa dạ dày và thực quản là góc tù chưa tạo thành góc nhọn để đóng vai trò ngăn ngừa dòng trào ngược khi dạ dày căng to.

Chính điều này sẽ làm các bé rất dễ bị ọc và trớ sữa. Cũng chính tình trạng ọc và trớ sữa này dẫn đến tình trạng bé bị sặc sữa lên mũi, gây tắc nghẽn đường thở của bé.

Cách cho bú đúng để tránh tình trạng bé bị sặc sữa lên mũi

Do hệ thần kinh, hệ tiêu hóa và một số cơ quan trong chưa phát triển hoàn thiện nên trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh thường hay bị sặc sữa khi bú, có thể dẫn đến nghẹt thở thậm chí là tử vong nếu bị nặng và không được sơ cứu đúng cách. Dưới đây là cách chống sặc sữa ở trẻ sơ sinh mà các mẹ nên “bỏ túi” ngay để đảm bảo an toàn cho bé.

- Cho trẻ bú đúng cách, vừa đủ lượng sữa.

+ Núm vú phải phù hợp với miệng trẻ.

+ Lỗ núm vú phù hợp, tránh trường hợp quá nhỏ làm cho trẻ phải gắng sức khi bú. Ngược lại nếu lỗ núm vú quá to, sữa xuống quá nhiều làm trẻ nuốt không kịp, trẻ dễ bị sặc, ói khi bú.

+ Không đặt bình sữa nằm ngang, sữa ngập trong núm vú tránh cho trẻ bú vừa sữa vừa hơi.

+ Pha sữa đúng cách.

- Chọn thời điểm bú thích hợp

Mẹ tuyệt đối không cho trẻ vừa bú vừa ngủ vì trẻ có thể ngủ quên và dễ bị sặc sữa. Nếu bé đang bú mà ngủ mẹ nên đặt bé xuống để bé ngủ thay vì để bé ngậm ti mẹ như bao lâu nay nhiều mẹ vẫn hay làm. Mẹ nên tập cho bé thói quen bú đúng giờ để dễ kiểm soát hơn, tốt nhất là sau khi bé ngủ dậy.

Nên thường xuyên trông chừng bé để phát hiện lúc bé đói mà cho bú ngay, vì nếu để bé đói lâu có thể khiến bé bú một cách vồ vập, vội vã và rất dễ bị sặc sữa và đầy hơi. Khi trẻ ho hoặc khóc thì nên dừng ngay việc cho bú lại, mẹ cũng hạn chế chơi đùa với trẻ lúc trẻ đang bú khiến trẻ cười gây sặc.

- Tư thế bú

Tư thế bú cũng là một điều quan trọng mẹ cần ghi nhớ để chống sặc sữa cho bé. Tư thế đúng nhất được nhiều mẹ áp dụng nhất là bế trẻ cao đầu, ở tư thế thoải mái, không nên để gập cổ hoặc ngửa cổ quá vì gập cổ khiến trẻ bú khó khăn hơn hoặc ngửa cổ có thể khiến trẻ bị sặc sữa lên mũi.

Ngoài ra, mẹ nên chú ý để trẻ bú từ từ, không nên vội vàng mà gây nguy hiểm cho trẻ. Một mẹo cho mẹ, nếu sữa mẹ tiết ra nhiều quá mà trẻ không bú kịp, mẹ có thể làm hãm tốc độ của dòng sữa bằng cách dùng hai ngón tay kẹp bớt đầu vú lại.

- Sau khi cho trẻ bú xong, bế trẻ theo tư thế thẳng, ngực áp vào một bên ngực mẹ, mặt kê lên vai mẹ rồi vỗ nhẹ lưng cho trẻ ợ hơi. Sau đó, nhẹ nhàng đặt trẻ nằm, kê gối hơi cao dưới vai, đầu tránh gập cổ, gập bụng.

Nếu mẹ làm đúng theo các hướng dẫn trên đảm bảo sẽ hạn chế được tình trạng sặc sữa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.