Ngoài lựu pháo 105 mm, Quân đội Việt Nam còn đang tiến hành thử nghiệm mẫu pháo phòng không tự hành 23 mm trên khung xe bánh lốp.

Cách làm của Việt Nam với mẫu pháo phòng không tự hành nội địa này cũng tương tự như lựu pháo, đó là đưa lên khung gầm xe tải bánh lốp việt dã (loại KamAZ) một khẩu pháo tự động ZU-23-2 cỡ nòng 23 mm.

Phương án trên đã nâng cao đáng kể sức cơ động của vũ khí này, tuy vậy nó vẫn tồn tại một vài nhược điểm cần lưu ý.

images1923856_1.jpgPháo phòng không tự hành 23 mm do Việt Nam chế tạo. Ảnh: Truyền hình Quốc phòng Việt Nam.

Đầu tiên, dễ dàng nhận ra mẫu pháo này bị giới hạn góc bắn, nó chỉ có thể xoay khoảng 180 độ để đảm trách phòng thủ bán cầu sau, không thể quay về phía trước vì vướng ca bin xe tải.

Tiếp theo, việc triển khai - thu hồi tương đối mất thời gian vì phải thu - hạ càng chống. Xe tải bánh lốp này không có khả năng lội nước, kíp chiến đấu cũng không được bảo vệ bởi vỏ giáp.

Do vậy, có lẽ trong tương lai Việt Nam nên nghiên cứu triển khai nâng cấp mẫu pháo phòng không tự hành 23 mm này theo cách mà một số nước đã áp dụng, đó là sử dụng khung gầm xe thiết giáp bánh xích.

Pháo phòng không ZU-23-2 của Nga đặt trên khung xe chiến đấu bộ binh BMP-1

Ở cấu hình trên của Quân đội Nga, khẩu ZU-23-2 được đưa lên khung xe chiến đấu bộ binh BMP-1 đã tháo bỏ tháp pháo.

So với đặt trên xe tải KamAZ, khẩu ZU-23-2 này không hề bị giới hạn góc bắn, có thể xoay 360 độ dễ dàng. Nhờ khung gầm bánh xích mà đã bỏ được thao tác nâng - hạ càng chống, giúp tiết kiệm thời gian chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Bên cạnh đó, xe còn có khả năng lội nước, kíp lái được bảo vệ an toàn trước vũ khí bộ binh nhẹ hay mảnh bom, pháo, điều mà chiếc KamAZ bánh hơi chưa đáp ứng được.

Pháo phòng không ZU-23-2 của Nga đặt trên khung xe thiết giáp nhảy dù BMD

Không chỉ Lục quân Nga, lực lượng Đổ bộ đường không của bạn cũng tỏ ra thích thú phương án trên, họ đã đưa khẩu ZU-23-2 lên khung xe thiết giáp nhảy dù BMD. Vũ khí này ngoài phòng không thì còn hạ nòng yểm trợ hỏa lực cho bộ binh khá tốt.

Pháo phòng không ZU-23-2 trên khung xe thiết giáp chở quân MT-LB

Trong điều kiện cụ thể tại Việt Nam, nếu thấy "tiếc" BMP-1, không muốn tháo bỏ tháp pháo để hoán đồi công năng, chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng khung gầm xe bọc thép lội nước bánh xích MT-LB (thậm chí là Type 63 do Trung Quốc sản xuất) để đưa khẩu pháo tự động cỡ 23 mm này lên.

Tóm lại, phương án đưa pháo phòng không ZU-23-2 lên khung gầm xe thiết giáp lội nước bánh xích tỏ ra có nhiều ưu điểm hơn hẳn xe vận tải việt dã bánh hơi. Mong rằng trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ áp dụng cách làm trên để nâng cao năng lực tác chiến cho khẩu "pháo phòng không tự hành nội địa" của mình.

Theo Baodatviet

TIN LIÊN QUAN