(Baonghean) - Năm 1927, trong cuốn sách giáo khoa lý luận chính trị đầu tiên của cách mạng Việt Nam - cuốn "Đường Kách mệnh", lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giới thiệu tính chất và kinh nghiệm những cuộc cách mạng đã diễn ra trong lịch sử thế giới. Đặc biệt, đối với cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, đã nêu rõ: Chỉ có đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười - con đường duy nhất đúng đắn - Cách mạng Việt Nam mới giành được độc lập, tự do thực sự. 94 năm qua, cuộc cách mạng làm chấn động địa cầu ấy vẫn còn in đậm trong dòng lịch sử nhân loại
 
Vào năm 1917, tình hình của đế quốc Nga rất bi đát, tham gia chiến tranh thế giới thứ nhất của chủ nghĩa đế quốc nhưng liên tiếp thua trận, thiếu vũ khí, thiếu lương thực trầm trọng, đẩy nhân dân vào con đường đói khổ. Nhân dân Nga chán ghét chiến tranh đế quốc, chán ghét chế độ Nga Hoàng. Công nhân, nông dân, binh sĩ đã nổi dậy. Khí thế cách mạng sục sôi, ở nhiều nơi đã lập ra Xô-viết công-nông-binh.
 
Tháng 2 theo lịch Nga (tức tháng 3 dương lịch) năm 1917, Nga Hoàng bị lật đổ. Nhưng, giai cấp tư sản đã phản bội nhân dân, những người làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng đó. Chúng lập ra chính phủ tư sản do Kê-ren-ski cầm đầu, tuyên bố quản lý đất nước. Thành thử, lúc này ở nước Nga tồn tại song song hai chính quyền: chính quyền của nhân dân lao động và chính quyền của tư sản. Trước đó, phái "dân túy", những phần tử cơ hội chính trị ở Nga đã tung ra thứ lý luận thụt lùi: hãy để cho chủ nghĩa tư bản phát triển đã, hãy để cho giai cấp tư sản nắm chính quyền đã, hãy làm cách mạng tư sản đã, sau này khi chủ nghĩa tư bản Nga phát triển hết mức hãy đặt ra vấn đề cách mạng vô sản...!
 
Đứng trước tình hình đó, V.I. Lê-nin cùng Đảng Cộng sản (Bôn-sê-vích) Nga, một mặt chống lại thứ tư tưởng, lý luận cách mạng nửa vời của những kẻ cơ hội chính trị và giai cấp tư sản, vạch bộ mặt giả dối, phản động của chính phủ tư sản Kê-ren-ski; mặt khác đẩy tới khí thế cách mạng của các Xô-viết công-nông-binh ở cơ sở, nhằm lúc tình thế nhân dân không thể sống như cũ, chính phủ tư sản Kê-ren-ski không thể tiếp tục lừa dối nhân dân để tham gia chiến tranh thế giới thối nát như cũ, đã tổ chức và lãnh đạo khắp nơi khởi nghĩa.

Tượng đài Bác Hồ tại Mátxcơva.           Ảnh: Lan Xuân

Đêm 24 rạng 25 tháng 10 lịch Nga (tức đêm 6 rạng 7 tháng 11 dương lịch), các lực lượng cách mạng đã giáng đòn chí tử ở Pê-trô-grát, lật đổ chính phủ tư sản, bao vây Cung điện Mùa Đông và ngày 25 tháng 10 dưới sự yểm trợ của Chiến hạm Rạng Đông, toàn bộ chủ phủ tư sản đã bị bắt. Cuộc khởi nghĩa đã giành được thắng lợi; chính quyền vô sản được thiết lập khắp cả nước Nga. Cách mạng Tháng Mười để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho cách mạng thế giới về sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản, về khối liên minh công nông và nghệ thuật chớp thời cơ để giành thắng lợi. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nói: "Như ánh mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu rọi khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người, chưa có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế".
 
Trước hết, Cách mạng Tháng Mười đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng của giai cấp công nhân quốc tế, chỉ ra cho họ con đường đi tới thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản. Noi gương Cách mạng Tháng Mười một cao trào cách mạng vô sản đã bùng nổ ở châu Âu (1918 - 1923) làm chấn động dữ dội nền thống trị của giai cấp tư sản nhiều nước. Quốc tế Cộng sản được thành lập năm 1919 (hoạt động đến năm 1943) đã có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển và thắng lợi của phong trào nông dân nhiều nước. Từ đó đã mở ra một thời kỳ mới trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ La-tinh. Trong số nước giành được độc lập, một xu hướng mới đã xuất hiện - xu hướng đi theo con đường cách mạng vô sản dưới ngọn cờ tư tưởng của Chủ nghĩa Mác Lê-nin, trong đó có nước Việt Nam đang bị thực dân Pháp đô hộ.
 
Từ năm 1920, sau khi đọc bản "Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa" của Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Đó là con đường đi theo Cách mạng Tháng Mười Nga, con đường Cách mạng vô sản.
 
Từ kinh nghiệm thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười, đó là sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản. Đảng Cộng sản Việt Nam đã độc tôn trong quá trình vận động cách mạng. Những bài học về thời cơ, tình thế cách mạng, về giành và giữ chính quyền của Cách mạng Tháng Mười Nga đã được Đảng ta vận dụng triệt để và sáng tạo trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945. Từ đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác: Kháng chiến chống Pháp năm 1945 đến năm 1954; Kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm 1954 đến năm 1975; Và công cuộc đổi mới năm 1986 đến nay. Trong cách mạng, dân tộc dân chủ và cách mạng chủ nghĩa xã hội sau này, Đảng ta cũng học tập kinh nghiệm từ Cách mạng Tháng Mười  về đoàn kết công - nông - binh thành một khối thống nhất để tạo nên sức mạnh vĩ đại; Xây dựng và củng cố chuyên chính vô sản vững mạnh dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đồng thời kết hợp chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa Quốc tế vô sản chân chính.
 
Ngày nay, tình hình thế giới và ngước Nga có nhiều sự thay đổi, nhưng dấu ấn cuộc cách mạng vô sản vĩ đại Tháng Mười Nga năm 1917 vẫn là mốc son chói lọi trong thế kỷ 20 và bài học của nó mãi là vô giá khi trên trái đất hãy còn đấu tranh giai cấp quyết liệt. Trong lễ kỷ niệm 50 năm sau Cách mạng Tháng Mười, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Càng nhớ những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh gian khổ mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của Lê nin và Cách mạng Tháng Mười".

Tô Hồng Hải - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy