(Baonghean) - Trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 20 - NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công tác Dân số - KHHGĐ trong tình hình mới, nhiều địa phương, ban ngành đã có cách làm sáng tạo và xây dựng chương trình hoạt động hiệu quả. Đây thực sự là những kinh nghiệm quý để chúng ta triển khai có hiệu quả hơn công tác dân số trong giai đoạn tiếp theo...
Sau gần một tháng, niềm vui đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới dường như vẫn còn hiện hữu trên mỗi gương mặt của người dân xã Nam Giang, huyện Nam Đàn. Đây là kết quả có được sau một chặng đường phấn đấu không ngừng nghỉ của chính quyền xã và nhân dân trong vùng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Riêng với những người làm công tác dân số của xã, đó còn là một niềm tự hào riêng, bởi thành công đó một phần là nhờ những năm qua xã làm rất tốt công tác dân số; tỷ lệ sinh con thứ 3 của xã thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung của cả huyện và tỉnh.
Toàn xã có 6 xóm liên tục không có người sinh con thứ 3, không có tình trạng mất cân bằng giới tính. Đặc biệt là người dân rất có ý thức trong việc nâng cao chất lượng dân số, tỷ lệ các bà mẹ mang thai đến đăng ký quản lý thai nghén và tiêm phòng đạt 100%, số trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai không còn; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ngày càng giảm, số trẻ em sinh ra bị dị tật bẩm sinh giảm hẳn.
Chị Lê Thị Huyền, chuyên trách dân số xã Nam Giang cho biết: Để vận động các gia đình làm tốt công tác chính sách dân số, hầu như tháng nào cán bộ chuyên trách, cộng tác viên và trưởng phó các ban ngành đều trực tiếp xuống các gia đình vận động, tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, qua các buổi hội nghị, qua sinh hoạt của các câu lạc bộ hay mời cán bộ làm công tác dân số ở tỉnh, huyện về nói chuyện về công tác dân số... đã tác động tích cực đến nhận thức của người dân, giúp người dân tự ý thức được việc thực hiện đúng chính sách dân số - KHHGĐ.
5 năm thực hiện Nghị quyết 20/NQ-TW về tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số trong tình hình mới, huyện Nam Đàn đã tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực. Huyện đã tổ chức học tập và quán triệt Nghị quyết 20 đến tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện. Nhờ đó, tất cả các ban ngành, các địa phương, các đơn vị và đoàn thể, khối xóm đều nhận thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với công tác dân số. Hàng tháng, cấp ủy đều ra một nghị quyết riêng về dân số và xây dựng chương trình hoạt động cụ thể cho từng tuần, từng xóm.
Để các xã chủ động hơn trong hoạt động, trung tâm dân số của huyện cũng đã tham mưu để mỗi xã có một quỹ dân số riêng nhằm mục đích phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và chi cho khen thưởng. Tổng số quỹ dân số từ nguồn ngân sách xã, huyện hỗ trợ, vận động tự nguyện, thu từ xử lý vi phạm trong 5 năm qua là 910 triệu đồng. Nguồn quỹ dân số được các xã chi cho các dịch vụ như cung cấp thuốc tránh thai, đặt vòng, siêu âm được miễn phí hoàn toàn. Kết quả rõ rệt nhất, theo ông Dương Đình Sơn - Giám đốc Trung tâm Dân số KHHGĐ huyện đó là: Nam Đàn là 1 trong 5 huyện được tỉnh ghi nhận đạt mức sinh thay thế, bình quân 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đạt từ 1 đến 2 con. Quy mô dân số ổn định góp phần không nhỏ hoàn thành mục tiêu kinh tế xã hội của huyện trong những năm qua, thiết thực nâng cao chất lượng cuộc sống cho từng cá nhân, gia đình và xã hội.
Thị xã Thái Hòa đã ban hành một số quy định chính sách về dân số - KHHGĐ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc tuyên dương, khen thưởng những cá nhân, đơn vị, khối xóm làm tốt công tác dân số, thôn xóm không có người sinh con thứ 3 đã kịp thời động viên những người làm công tác dân số và giúp cho hoạt động dân số ở địa phương chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, thị xã cũng chú trọng đến công tác phối hợp, nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của từng ban, ngành, đoàn thể, đồng thời tạo nên sức mạnh tổng hợp góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các mục tiêu của chương trình.
Liên tục hai năm gần đây, Trung tâm dân số phối hợp với Thị đoàn, BCH đoàn các trường học tuyên truyền về kỹ năng sống, sức khoẻ sinh sản vị thành niên, thanh niên cho học sinh THPT và các cơ sở đoàn khối, xóm. Tổ chức hội thi sức khoẻ sinh sản học đường dưới hình thức "Rung chuông vàng" ở thị xã, tham gia cuộc thi do tỉnh tổ chức tại huyện Quỳ Hợp và đạt giải nhất. Xây dựng được 2 kỳ “Đối thoại trực tiếp với nhân dân” trên sóng truyền hình để đại diện lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể trực tiếp làm rõ những thắc mắc của nhân dân về chế độ, chính sách Dân số - KHHGĐ.
Để người dân tiếp cận được chương trình chăm sóc SKSS/KHHGĐ, Thanh Chương đã đa dạng hoá các hoạt động truyền thông tạo chuyển biến trong nhận thức dẫn đến chuyển đổi hành vi, giúp người dân nắm bắt và thực hiện tốt chính sách dân số của Đảng và Nhà nước đề ra. Hiện toàn huyện có 574 cộng tác viên dân số, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, tư vấn, chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên. Toàn huyện cũng đã xây dựng được 233 câu lạc bộ truyền thông như câu lạc bộ “Phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên”, câu lạc bộ “Gia đình bền vững”, câu lạc bộ “Nam nông dân với chăm sóc SKSS và KHHGĐ”, giúp bà con nông dân có sân chơi, nơi sinh hoạt bổ ích và là kênh truyền thông thiết thực để tuyên truyền về công tác dân số.
Huyện cũng đã lồng ghép công tác dân số vào phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Trong đó, đưa nội dung thẩm định làng, đơn vị, dòng họ văn hóa cùng với thẩm định thôn, xóm, cơ quan, đơn vị không có người sinh con thứ 3 trở lên vào một biên bản kiểm tra thẩm định. Những đơn vị nào vi phạm sẽ bị cắt danh hiệu văn hóa. Nhờ đó, trung bình 1 năm huyện có trên 150 thôn (xóm) không có người sinh con thứ 3, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên mỗi năm giảm từ 3 - 4,5%...
Trên đây là những cách làm quyết liệt, sáng tạo trong công tác dân số - KHHGĐ và đã được ghi nhận. Đây thực sự là những kinh nghiệm quý và là những giải pháp thiết thực cần được nhân rộng trong thời gian tới…
Mỹ Hà