(Baonghean) - “Khiếp rồi, sau buổi tối hôm đó tui chừa tận tra!” - Nguyễn Thọ Luật đã nói như vậy khi gặp lại ông Ngô Trí Lâm - Phó Trưởng Công an xã Nam Thành (Yên Thành), sau khi bị xã đưa ra kiểm điểm, giáo dục vào tối 11/7/2013, trước đông đủ các tổ chức, đoàn thể và nhân dân địa phương, được truyền thanh trực tiếp trên loa phát thanh của xã.

Sự việc như sau: Tối 10/7/2013, tại hội quán xóm Lộc Thành, trong lúc đại biểu HĐND xã Nam Thành đang gặp gỡ, tiếp xúc  cử tri để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7 HĐND xã nhiệm kỳ 2011-2016, thì 2 anh em ruột là Nguyễn Thọ Kỷ (SN 1970) và Nguyễn Thọ Luật (SN 1975), ở xóm Lộc Thành, khật khưỡng đi vào nhà văn hóa xóm, nồng nặc mùi rượu gây rối, nói ngang, làm cho buổi tiếp xúc trở nên ồn ào, lộn xộn. Khi đại biểu HĐND xã và cán sự xóm đề nghị họ giữ trật tự, thì hai anh em liền chửi bậy, thậm chí còn lăng mạ những người chủ trì lẫn cử tri. Không những thế cả hai người còn dùng gạch để uy hiếp, dọa đánh lực lượng công an, khi bị đưa về trụ sở xã làm việc.

Nhận thấy đây là vụ việc uống rượu say gây mất trật tự công cộng và có biểu hiện chống người thi hành công vụ, nếu không xử lý kịp thời sẽ gây ra tiền lệ xấu, làm ảnh hưởng đến kỷ cương. Ngày 11/7, UBND xã Nam Thành lập tức ban hành Quyết định về việc kiểm điểm giáo dục tổ chức tại Nhà văn hóa xã Nam Thành để người dân tiện theo dõi.

Tại cuộc họp kiểm điểm có đầy đủ tổ chức và đông đảo người dân đến dự. Không ít người lo ngại buổi kiểm điểm sẽ khó đạt kết quả, bởi hai người này thường xuyên say rượu, ai nói cũng không nghe. Nguyễn Thọ Kỷ từng say rượu và đánh vợ đến bất tỉnh. Nguyễn Thọ Luật cứ rượu vào là chửi bố mẹ đẻ. Vì thế, khi hệ thống loa truyền thanh tại 9 xóm truyền thanh trực tiếp cuộc họp kiểm điểm, gần như tất cả nhân dân Nam Thành dừng các sinh hoạt thường ngày để tập trung theo dõi. Sau khi ông Nguyễn Văn Bình – Chủ tịch UBMTTQ xã và Trưởng, Phó Trưởng Công an xã tuyên bố lý do, đọc quyết định của Chủ tịch UBND xã về việc kiểm điểm, báo cáo điều tra vụ việc; Nguyễn Thọ Luật, Nguyễn Thọ Kỷ lần lượt đọc bản tự kiểm điểm trước toàn thể nhân dân.

Trong phần tự kiểm điểm của Nguyễn Thọ Luật có đoạn: “Tôi tự nhận thấy hoàn toàn sai trái, xúc phạm đến lãnh đạo xã và ban công an. Vì lúc đó tôi có uống nhiều rượu cho nên không làm chủ được bản thân. Vậy tôi viết bản tự kiểm điểm này kính mong lãnh đạo xã, ban công an và các ban ngành đoàn thể tha thứ... Tôi xin hứa từ nay trở về sau không vi phạm nữa”. Còn Nguyễn Thọ Kỷ thành khẩn: “Qua sự việc xảy ra tôi thấy việc làm của mình là hoàn toàn sai trái, là vi phạm pháp luật… Tôi thành thật xin lỗi anh Trung, anh Hường và nhân dân xóm Lộc Thành. Tôi xin hứa từ nay về sau sẽ không bao giờ sai phạm”…

Có thể nói, người dân vô cùng phấn khởi khi nghe chính 2 người tự nhận lỗi, hứa trước toàn thể nhân dân. Nhiều người dân còn ghi lại lời hứa của họ để nhắc nhở nếu họ còn tái phạm hoặc có dấu hiệu tái phạm. Các ý kiến thảo luận, góp ý một cách dân chủ, thẳng thắn của bí thư chi bộ, chi hội trưởng hội người cao tuổi, chi hội trưởng hội cựu chiến binh xóm Lộc Thành và nhiều người dân đều mong muốn 2 người thành tâm sửa chữa khuyết điểm. Ông Nguyễn Thọ Tuyên, đại diện họ tộc của 2 người vi phạm trong phần phát biểu đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ cách làm của chính quyền xã: “Đây là một việc làm để tuyên truyền cho nhân dân mà UBND xã, ban công an xã cương quyết nhằm mục đích để 2 người nhận ra những sai trái của mình để thời gian tới không tái phạm nữa.”

Một tuần sau buổi kiểm điểm, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Bảy (vợ của Nguyễn Thọ Luật). Chị tâm sự: Việc giáo dục trước bà con đã làm cho chồng chị đi đâu cũng cảm thấy xấu hổ vì cả xóm, cả xã đều biết. Bây giờ không dám uống rượu say vì ai cũng nghe, cũng nhớ và giám sát việc thực hiện lời hứa trong bản tự kiểm điểm. Thậm chí có người thỉnh thoảng còn mở máy điện thoại ghi âm lời hứa của chồng chị ra để nhắc nhở. Tuy khó chịu, xấu hổ, nhưng lại rất hiệu quả! Vợ con và gia đình đỡ khổ hơn trước nhiều.

Việc đưa người vi phạm ra giáo dục trước nhân dân của xã Nam Thành là một cách áp dụng sáng tạo Nghị định số 163 ngày 19/12/2003 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Đồng thời, việc làm trên cũng thể hiện việc phát huy vai trò của toàn thể hệ thống chính trị cơ sở vào việc xây dựng các tiêu chí văn hóa ở khu dân cư. Tổ chức thành công buổi giáo dục người vi phạm trước dân cũng cho thấy việc vận dụng nhuần nhuyễn dư luận tích cực của cộng đồng, sức mạnh của truyền thống văn hóa địa phương với việc giáo dục, điều chỉnh hành vi, vi phạm của cá nhân.

Gắn việc giáo dục, kiểm điểm với tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao dân trí. Đánh giá về việc thực hiện biện pháp này, ông Ngô Trí Lâm, Phó Trưởng Công an xã Nam Thành phấn khởi cho biết: “Là một trong những người trực tiếp tham mưu UBND xã thực hiện vụ việc này, tôi rất vui vì được nhân dân xã nhà đồng tình, ủng hộ, cách làm hợp tình, hợp lý, có tính giáo dục cao. Còn những người vi phạm thì “tâm phục khẩu phục”, mỗi lần gặp tôi đều cười tươi và bảo khiếp rồi, chừa rồi. Vậy là mình vừa răn đe, uốn nắn, giáo dục một số trường hợp cụ thể, vừa tuyên truyền, cảnh báo và điều chỉnh hành vi của nhiều người. Vì thế, tình trạng tụ tập uống rượu say ở Nam Thành sau đó đã giảm đi trông thấy”.

Ông Phan Thế Trung, Chủ tịch xã Nam Thành cho biết: Việc tụ tập uống rượu say không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất lao động, mà còn là nguyên nhân dẫn đến việc sa đọa về đạo đức, nhân cách, gây ảnh hưởng đến môi trường văn hóa khối xóm, thậm chí không ít trường hợp vi phạm pháp luật. Cấp ủy, chính quyền xã Nam Thành đã tuyên truyền vận động nhiều nhưng việc tụ tập uống rượu say mỗi lúc có giỗ, cưới, hội hè… vẫn chưa có chiều hướng giảm. Trước thực trạng này, cán bộ xã Nam Thành đã lựa chọn và áp dụng biện pháp “cá biệt” để ngăn chặn.

Ngô Kiên