(Baonghean.vn) - Khi đánh lái, nếu bạn thấy tay lái trở nên nặng hơn hoặc phát ra tiếng kêu bất thường thì có thể đó là do xe thiếu dầu trợ lực lái. Việc thêm dầu trợ lực lái đúng lúc sẽ giúp tay lái trơn tru và tăng tuổi thọ.

Ngoại trừ các dòng xe hơi nhỏ, hiện các hãng xe hơi đều có hệ thống trợ lái thủy lực hỗ trợ người điều khiển xe đánh lái dễ dàng. Hệ thống lái trợ lực gồm thanh răng và bánh răng được nối với bánh trước, một pít-tông bên trong thanh răng và bánh răng, di chuyển lên nhờ dầu có áp suất từ bơm trợ lực giúp đánh lái, và một xi lanh chứa dầu nằm phía trên bơm. 

Nếu không có đủ dầu, việc đánh lái sẽ gặp khó khăn hơn và bơm, thanh răng, bánh răng cũng dễ bị hỏng do không có dầu bôi trơn. Vì vậy, việc quan trọng là cần kiểm tra mức dầu trợ lực lái thường xuyên và cung cấp thêm khi cần thiết.

Dưới đây là các bước hướng dẫn cách kiểm tra và thay dầu trợ lực lái trên ô tô.

Tìm xy lanh bình chứa

Nếu gặp khó khăn trong việc quay vô lăng hoặc vô lăng phát ra tiếng kêu khùng khục khi đánh lái thì có thể dầu trợ lực lái của bạn đang ở mức thấp. Dầu trợ lực lái có thể tìm thấy trong bình chứa xy lanh cạnh dây kéo vô lăng trợ lực và chúng được hiển thị rõ ràng. Xy lanh làm bằng nhựa hoặc kim loại.

Nếu không thể tìm thấy xy lanh, hãy xem hướng dẫn sử dụng để tìm vị trí. Trong khi bình chứa vô lăng trợ lực thường nằm cùng một vị trí ở hầu hết các loại xe hơi, những chiếc xe đời mới hơn có thể đặt ở vị trí khác vì lý do kinh tế hoặc không gian sử dụng.

images1934683_bna_594cdf0025cf3.jpg

Kiểm tra mức dầu trợ lực

Nếu xy lanh bình chứa được làm bằng nhựa trong, bạn có thể nhìn thấy mức dầu bên trong xy lanh; xy lanh bình chứa được làm bằng kim loại hoặc nhựa mờ bạn sẽ phải kiểm tra mức dầu bằng một que thăm nhớt, thường được gắn vào nắp xe.

Ở một vài loại xe, mức dầu trợ lực lái chỉ có thể kiểm tra một cách chính xác sau khi động cơ đã chạy trong một thời gian ngắn, và thỉnh thoảng bạn cũng phải quay đánh lái theo nhiều hướng một vài lần khi xe ở trạng thái không tải.

Ở những loại xe khác, thang chia trên que thăm nhớt hoặc xy lanh đều ở mức “cao”, sau khi động cơ chạy, và một mức “thấp” sau khi động cơ đã tắt một lúc. có những dòng xe có vạch “tối thiếu” và “tối đa” mức dầu có thể vận hành được. Hãy chắc chắn so sánh mức dầu trợ lực với mức tiêu chuẩn.

Kiểm tra que thăm nhớt xem mức dầu trợ lực lái

Nếu bạn đang sử dụng que thăm nhớt để kiểm tra mức dầu trợ lực lái, đầu tiên lau sạch hết dầu thừa ở que thăm nhớt khi bạn đưa ra khỏi xy lanh, sau đó cắm lại xuống và lấy ra.

Kiểm tra màu dầu trợ lực lái

Dầu trợ lực lái tốt phải sạch, có màu hổ phách hoặc hồng nhạt. Nếu dầu trợ lực lái có màu nâu hoặc đen thì dầu đã bị bẩn từ các miếng nối cao su ở ống, phớt hoặc vòng chữ O. Trong trường hợp này, nên đưa xe đến thợ sửa chữa để kiểm tra xem có cần thay thế bộ phận nào trong hệ thống trợ lực lái cùng với dầu hay không.

Dầu trợ lực lái có thể trông thẫm hơn thực tế. Nếu bạn còn nghi ngờ, hãy xem màu vết dầu trợ lực lái trên một miếng vải hoặc khăn giấy khi bạn lau que thăm nhớt. Nếu vết lau có màu dầu bình thường thì dầu của bạn không bị sao cả.

Thêm dầu trợ lực lái đến mức cần thiết

Khi kết thúc công đoạn kiểm tra, tiếp theo là thêm dầu trợ lực lái cho xe. Nếu xe đã có thang chia trên xi lanh, bạn có thể đổ dầu tới một mã vạch tiêu chuẩn quy định trên từng xe.

Lời khuyên là chỉ sử dụng một loại dầu trợ lực lái được khuyên dùng cho xe của bạn, nếu sử dụng loại dầu không phù hợp có thể gây nguy hại cho xe.

Không được đổ quá mức dầu vào bộ phận trợ lực lái, tốt nhất là nên đổ ít hơn bởi dầu trợ lực lái nở ra khi nóng lên và phát huy tác dụng. Nếu đổ đầy đến nắp và cố gắng lái xe, áp lực tăng sẽ gây ra nhiều vấn đề và phát sinh những khoản sửa chữa đắt đỏ.

Bao lâu thay dầu một lần

Nhiều người cho rằng chỉ cần châm thêm cho đủ số lượng nếu thấy dầu hao ngót là xong. Tuy nhiên, dầu tay lái cũng bị thoái hóa, biến chất trong quá trình sử dụng và phải được thay thế.

Các nhà nghiên cứu về bảo trì cho rằng, có thể thay dầu tay lái trong khoảng từ 60.000 tới 70.000 km.

Hư hỏng thường gặp trên trợ lực lái thủy lực

Với lý do an toàn, hệ thống lái vẫn có thể đảm nhiệm chức năng chuyển hướng xe dù trợ lực lái hỏng. Tuy nhiên việc quay được vô-lăng theo đúng ý mình không phải là chuyển dễ.

- Tay lái nặng: Hiện tượng này làm bạn thấy thật khó chịu khi phải tốn sức để đánh lái với chiếc xe của mình và nó còn thiếu an toàn khi bạn di chuyển trên đường nữa, nhất là khi xe cộ đông đúc trong giờ cao điểm.

Khi xe có hiện tượng trên, điều đầu tiên nên xem xét là phải kiểm tra dầu và bơm trợ lực lái. Có thể dầu trợ lực lái của xe thấp hơn mức low hoặc bơm trợ lực  bị hư hỏng dẫn đến điều này. Trường hợp này có thể do bơm trợ lực bị mòn cánh bơm, hở đường dầu tới thước lái hoặc bị xước bề mặt bơm, tay lái nặng.

- Tay lái trả chậm: Hiện tượng này thường đi chung với tay lái nặng do bơm trợ lực của xe hoạt động kém. Việc này có thể do áp suất và lưu lượng dầu qua bơm giảm khiến thước lái dịch chuyển chậm khi đánh lái. Thước lái bị hở séc măng bao kín làm dầu lọt qua khoang bên cũng gây ra hiện tượng chậm trả lái.

Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như: các đăng lái hoặc thanh dẫn động lái khô mỡ, bị mòn làm tăng lực ma sát khi ta trả lái.

- Lỏng đai dẫn động bơm trợ lực: Mở nắp ca-pô kiểm tra bề mặt đai, khi có nhiều vết nứt trên thân đai cách nhau khoảng 3 mm thì dây đai đó cần được thay thế.

Đai trượt bên pu-ly, động cơ hoạt động nhưng bơm quay với tốc độ yếu, áp suất chênh lệch không được duy trì cũng gây ra hiện tượng đánh lái nặng. Hiện tượng này thường kèm theo tiếng rít vì đai trượt khi đánh lái, đồng thời bề mặt tiếp xúc của đai với pu-ly nhẵn và bóng.

Việc khắc phục chỉ đơn giản là căng lại dây đai.

- Hỏng van phân phối dầu:Kiểm tra van phân phối dầu bằng cách đánh hết lái sang trái rồi phải. Với cách kiểm tra này, cần đặt áp suất lốp theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất. Nếu van làm việc bình thường, có thể nghe được tiếng động nhẹ khi bánh lệch hoàn toàn về một phía.

Nếu không nghe được thì van có thể bị kẹt hoặc gặp phải một số vấn đề khác. Đừng giữ vô-lăng ở trạng thái đánh hết lái trong thời gian dài bởi áp lực dầu cao có thể phá hỏng hệ thống. Để khắc phục sự cố này người lái phải có kinh nghiệm.

Các liên kết của hệ dẫn động lái và treo bị dơ cũng ảnh hưởng tới sự làm việc của trợ lực lái. Do đó cần khắc phục chúng kịp thời để toàn hệ thống làm việc tốt./.

Ngọc Anh

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN