Những mảng bám đen thường xuất hiện trên thân răng và xung quanh cổ răng của bé, có thể dễ dàng nhận biết bằng mắt thường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chúng còn tích tụ ở bên dưới nướu răng. Mảng bám đen được hình thành khi các mảnh vụn thức ăn kết hợp với muối vô cơ là canxi carbonat-phosphate và các khoáng chất trong khoang miệng, hoặc do sự lắng đọng huyết thanh gây nên.
Mảng bám đen trên răng chứa hàng triệu vi khuẩn và là môi trường thuận lợi để phát sinh những bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm lợi, ảnh hưởng đến quá trình ăn nhai và sức khỏe của trẻ. Vì vậy, khi thấy những mảng bám đen trên răng của trẻ, bố mẹ cần tìm cách loại bỏ chúng và chú ý vấn đề vệ sinh, chăm sóc răng miệng cho bé.
Khi con gái 14 tháng tuổi, răng của bé bị mảng bám đen cả hai hàm, khiến chị Thu Hà ở Hà Nội "nẫu cả ruột" dù luôn chú ý dùng miếng rơ lưỡi để làm sạch răng cho bé. Theo chia sẻ của chị, mảng bám đen ban đầu chỉ là một chấm nhỏ và sau cứ lan to dần từ hàm trên xuống dưới như răng của người hút thuốc lào.
Sau nhiều ngày tìm hiểu, chị Hà học được cách làm sạch mảng bám bằng nước muối sinh lý và giấm táo. Chị chia sẻ bí quyết của mình và nhận được nhiều sự quan tâm từ các bà mẹ nuôi con nhỏ khác. Mỗi ngày, chị dùng miếng tưa lưỡi nhúng vào hỗn hợp gồm 200 ml nước muối sinh lý pha cùng 1-2 giọt giấm táo để cọ vào khu vực bị bám đen. Trong tuần đầu tiên, chị pha 2 giọt giấm táo. Răng của bé trắng Sulli trắng lên trông thấy và từ tuần sau đó, chị chỉ pha vào nước muối một giọt giấm để vệ sinh khoang miệng cho bé.
Tuy cách làm này rất hiệu quả với bé Sulli nhưng chị Thu Hà không sử dụng hỗn hợp nước muối và giấm táo để đánh răng cho bé trong một thời gian dài. Bởi theo chị, giấm có thể khiến răng trở nên nhạy cảm hơn nếu dùng lâu. Vì thế, sau 2-3 tuần, răng của bé trắng sạch hoàn toàn, chị Hà chỉ thực hiện cách này thêm một tuần nữa.
Sau hơn một năm, tình trạng mảng bám đen trên răng của bé không thấy xuất hiện trở lại, bà mẹ một con dùng nước muối sinh lý để vệ sinh răng miệng cho bé mỗi ngày hai lần.