(Baonghean) - Hôm nay mình vừa đọc được trên báo mạng thông tin lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 2014 từ chối tiếp nhận hai lễ vật khổng lồ gồm một lá cờ và một khinh khí cầu. Các hồ sơ về kỷ lục và các lễ vật có kích thước kỷ lục cũng không được tiếp nhận, với lý do sự xuất hiện của các đồ cung tiến khổng lồ ở các năm trước gây ra hiệu ứng ngược, phản cảm với quan khách về chiêm bái.

Nhớ cách đây 4, 5 năm, ở mình có chương trình "Chuyện lạ Việt Nam" rất được yêu thích. Hồi đó mình suốt ngày chờ chực đến ngày, đến giờ là cắm mặt vào tivi xem người có bộ tóc dài nhất Việt Nam, chiếc bánh chưng to nhất Việt Nam, đôi lục bình to nhất Việt Nam, v.v và v.v chứ đâu. Tâm lý con người ai mà chẳng tò mò những cái mới, cái lạ. Bẵng đi một thời gian thì chương trình chuyện lạ cũng "hạ nhiệt", đến nay thì bặt tăm tích. Cái gì lạ thường vậy, khi đã nhàm rồi thì cũng dễ bị lãng quên.

Giỗ tổ Hùng Vương.

Thoạt nhìn có lẽ mình đang nói lảm nhảm vì lễ Giỗ Tổ thì liên quan gì đến "Chuyện lạ Việt Nam"? Nhìn vậy mà không phải vậy. Đứa cháu mình năm nào còn nằng nặc đòi bố mẹ cho đi xem Giỗ Tổ vì "người ta bảo có cặp bánh chưng bánh dày khổng lồ, lập kỷ lục Việt Nam". Hỏi nó sự tích Giỗ Tổ Hùng Vương hay sự tích bánh chưng bánh dày chưa chắc nó đã biết, có khi nó lại nghĩ ra sự tích bánh chưng bánh dày khổng lồ phiên bản thế kỷ 21 thì sao? Nói mà buồn. Bởi lẽ, một ngày Giỗ Tổ, với ý nghĩa tốt đẹp là giữ gìn một nét văn hoá, bày tỏ sự thành kính với nguồn cội và tôn vinh lịch sử nay lại trở thành một thứ hội chợ, triển lãm cho người ta cưỡi ngựa xem hoa, chỉ trỏ làm vui. Chẳng khác nào bảo lễ Giỗ Tổ cũng như "Chuyện lạ Việt Nam" phiên bản truyền hình trực tiếp. Như thế có phải là rẻ tiền và lố lăng lắm không?

Gác giá trị tinh thần và văn hoá sang một bên, hãy nói về mặt kinh tế. Đến giờ mình vẫn không hiểu mục đích của việc làm các đồ cung tiến ngoại cỡ là gì? Vừa tốn kém thời gian, công sức, tiền của, vừa cồng kềnh tốn diện tích tổ chức lễ hội. Công tác vận chuyển, sắp đặt, bảo quản cũng khó khăn, mà kết quả được lợi gì và cho ai? Với người xem, một cặp bánh chưng khổng lồ ấn tượng thật, nhưng rốt cuộc cũng chỉ là một cặp bánh chưng mà thôi. Có khi còn chẳng bằng một cặp bánh chưng thường, bởi theo lời chia sẻ của ông Phạm Bá Khiêm - Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Phú Thọ thì có năm định cắt bánh ra cho mọi người cùng thưởng thức, bánh đã mốc xanh, vừa lãng phí vừa mất vệ sinh. Tóm lại, chỉ giải quyết được khâu oai cho người cung tiến.

Tất nhiên cũng có thể người ta có lòng, có tâm thật, nhưng cách thể hiện như vậy vô tình lại thành báng bổ, tầm thường. "Của ít lòng nhiều", tấm lòng không đong đếm bằng vật chất, nhất là trong vấn đề tâm linh tín ngưỡng. Nhưng tâm lý chung của người mình lại cứ thích "lấy thịt đè người", tưởng rằng nhiều là có tâm, là thành kính mà không nghĩ rằng điều đánh động đến các bậc thánh thần, tổ tông hơn cả là sự tôn kính trong suy nghĩ và tâm hồn. Có phải những phường đồng cô đồng cậu, buôn thần bán thánh vẫn thường đánh vào tâm lý sính nhiều, sính đẹp của người đi lễ để trục lợi cá nhân, bóp méo đi những sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng truyền thống đáng quý của dân tộc?

Có ít dùng ít, có nhiều dùng nhiều, khi điều kiện sống của dân mình ngày càng khá giả thì việc chăm chút cho phần hồn, cho đời sống tâm linh, tín ngưỡng ngày càng cầu kỳ, tỉ mỉ hơn là điều dễ hiểu và cũng đáng trân trọng. Bởi điều đó có nghĩa là chúng ta không quên đi nguồn cội của mình. Nhưng làm sao cho hợp lý, không lãng phí, không phô phang thì mới không phản tác dụng. Tin rằng các vua Hùng sẽ không vì cặp bánh chưng năm nay bé hơn cặp bánh chưng năm ngoái một chút mà tự ái. Cũng tin rằng việc không có lá cờ và chiếc khinh khí cầu khổng lồ (mà ở thời các vua Hùng thì có ai biết cái khinh khí cầu nó tròn méo ra sao?) cũng chẳng làm lễ Giỗ Tổ năm nay thiếu đi bộ lệ, nghi thức gì. "Vắng cô thì chợ vẫn đông, cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui", hoan hô quyết định không thể chí lý hơn của ban tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 2014!

Hải Triều

Email từ Paris