(Baonghean.vn)- Chuyên gia địa chất học cảnh báo các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên có thể gây ra sự phun trào của núi lửa quy mô lớn và quét sạch dân số khắp châu Á và châu Âu.

Ông Lloyd Hamilton, một giáo sư địa chất học người Australia, đã gửi một bức thư tới Ngoại trưởng Australia Julie Bishop, cảnh báo về một vụ phun trào bất ngờ tại núi Paektu, hay còn được gọi là núi Trường Bạch - một ngọn núi dạng núi lửa nằm ở phía Bắc Triều Tiên, ở khu vực biên giới giữa nước này và Trung Quốc. Việc núi lửa này phun trào sẽ “ảnh hưởng mạnh mẽ tới khí hậu toàn cầu.” Lần phun trào gần đây nhất là năm 1903, được đánh giá là “một trong những sự kiện phun trào lớn nhất trong lịch sử loài người”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AP

Ông Hamilton cho biết: “Giáo sư Hiromitsu Taniguchi từ đại học Tokyo cảnh báo có tới 99% khả năng ngọn núi Paektu tại Triều Tiên phun trào trong vòng 15 năm tới.” Hiện nay có khoảng 1,6 triệu người sống trong khu vực bán kính 100 km tính từ núi lửa Paektu.  Giáo sư Hamilton cảnh báo ngọn núi lửa cao gần 3000 m này đang ấm dần lên và có dấu hiệu hoạt động trở lại. Có khoảng 20km bề rộng mắc ma nóng chảy bên dưới ngọn núi này.

Các nhà hoạt động tại Hàn Quốc phản đối việc Triều Tiên thử hạt nhân. Ảnh: Getty

Ông Hamilton cho hay: “Tôi mong muốn Australia nhất trí rằng không nên kích động núi lửa Paektu phun trào, nếu Triều Tiên đồng ý ngừng đe dọa chúng ta với các quả bom hạt nhân, và hoàn toàn loại bỏ mối đe dọa này. Vấn đề lớn hiện nay là xác định quy mô của vụ phun trào. Chắc chắn chúng ta không mong muốn một vụ phun trào siêu lớn – điều sẽ ảnh hưởng tới khí hậu toàn cầu”.

Các chuyên gia cảnh báo các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên có thể gây ra sự phun trào của núi lửa Paektu. Ảnh: NASA

Theo ông Hamilton, cũng cần xét đến Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Hàn Quốc. Gió thổi tới Trung Quốc vào thời điểm phun trào cũng sẽ tàn phá đất nước này. Ngoài ra,vì núi Paektu nằm ở biên giới, nên cũng cần đảm bảo không có lở đất, vì núi lửa này có hồ rộng 5 km trên đỉnh.

Giáo sư Hamilton cho biết hoạt động núi lửa gần đây đã khiến giới chức Triều Tiên cảnh giác và buộc họ dẹp sang một bên chính sách cô lập và kín đáo của mình. Hồi năm 2005, Bình Nhưỡng đã liên lạc với Bắc Kinh và các nhà khoa học hàng đầu ở các nước phương Tây nhờ hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu về núi lửa Paektu./.

Lan Hạ

(Theo Courrier Mail)

TIN LIÊN QUAN