Cùng một lượng kiến thức phổ thông trung học thì không cần 2 kỳ thi, chỉ cần tổ chức một kỳ thi vừa gọn nhẹ vừa hiệu quả. Đó là ý kiến của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam vừa gửi Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về đề xuất đổi mới thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ.

Các trường ngoài công lập đề xuất phương án đổi mới thi ảnh 1
 

Theo GS.TS  Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, để đánh giá trình độ học vấn khách quan cần áp dụng hình thức thi trắc nghiệm là chủ yếu, sử dụng công nghệ phục vụ thi hiện đại. Thi nhiều môn để tránh dạy và học lệch; đề thi thiết kế theo hướng bớt kiến thức học thuộc, tăng kiến thức kiểm tra năng lực thực tế của học sinh để điều chỉnh dạy và học tích cực.

Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đề xuất: Mỗi năm có thể tổ chức nhiều lần thi để giảm bớt sự tập trung căng thẳng và tạo cơ hội nhiều hơn cho thí sinh

Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá trình độ học vấn phổ thông và cấp bằng tốt nghiệp THPT; Điều tiết quá trình dạy và học trong trường phổ thông theo hướng dân chủ, tích cực; Kết quả thi là cơ sở để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh viên vào học.

Theo đó, Hiệp hội đề xuất phương án thi tốt nghiệp THPT triển khai từ năm 2015 và coi đây là loại thi thành quả học tập, đánh giá theo chuẩn. Cụ thể là dựa vào chương trình phổ thông và tính điểm dựa vào một phân bố chuẩn đại diện học sinh cuối bậc phổ thông của cả nước.

Đề thi được thiết kế chủ yếu theo phương pháp trắc nghiệm khách quan (TNKQ), kết hợp một số câu hỏi tự luận (TL) ngắn cho các môn có nhu cầu bổ sung

Các môn thi (môn đơn và môn tích hợp) có thể được dự kiến như sau: 3 môn thi đơn : Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ (một trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Trung, Đức). 2 bài thi tích hợp : Khoa học tự nhiên (liên quan đến các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), Nhân văn và Khoa học xã hội (liên quan đến các môn Sử, Địa, Chính trị).

Các đề Toán và Ngữ Văn sử dụng phương pháp TNKQ kèm câu TL ngắn để thí sinh làm trung bình trong khoảng 30 phút. Phần TL của đề Toán nhằm đánh giá khả năng giải quyết các vấn đề toán học. Phần TL của đề Ngữ Văn nhằm đánh giá khả năng viết và diễn đạt bằng tiếng Việt, sẽ hạn chế thí sinh viết không quá 400 từ. Thời gian làm bài cho mỗi đề Toán và Ngữ Văn là 90 phút (60 phút TNKQ, 30 phút TL).

Các đề Khoa học tự nhiên, Nhân văn và Khoa học xã hội được ra dưới dạng tích hợp các môn tương ứng Vật lý, Hóa học, Sinh học và Sử, Địa, Chính trị, sử dụng phương pháp TNKQ. Thời gian làm bài cho mỗi đề là 90 phút.

Đề Ngoại ngữ (các tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung quốc, Đức…) đánh giá khả năng đọc hiểu, ngữ pháp, bằng phương pháp TNKQ, thời gian 90 phút.

Mọi thí sinh đều phải thi ba môn đơn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và được chọn 1 trong 2 môn tích hợp  (hoặc thi cả 2)  Khoa học tự nhiên, Nhân văn và Khoa học xã hội.

Mỗi kỳ thi được tổ chức chỉ trong 3 ngày. Cách ra đề chủ yếu bằng TNKQ và theo các môn tổng hợp giúp đánh giá được kiến thức toàn diện của chương trình phổ thông trung học, chống xu hướng học lệch, nhưng vẫn tổ chức được kỳ thi ngắn gọn. Hai câu hỏi TL trong hai đề Toán và Ngữ Văn khắc phục được nhược điểm của phương pháp TNKQ, giúp đánh giá thêm khả năng viết văn và giải quyết vấn đề trong toán học. Việc hạn chế số từ của câu hỏi TL buộc thí sinh phải suy nghĩ cẩn thận về bố cục trước khi viết, đồng thời không tạo sự quá tải trong việc chấm các bài TL, có thể chọn người chấm có năng lực để đảm bảo chất lượng chấm bài tự luận.

Theo ý kiến của Hiệp hội, mỗi năm có thể tổ chức nhiều lần để giảm bớt sự tập trung căng thẳng và tạo cơ hội nhiều hơn cho thí sinh. Trước mắt nên tổ chức mỗi năm ít nhất 2 lần, tương ứng với các thời điểm đầu hai học kỳ của trường đại học.

Kết quả thi được sử dụng làm cơ sở để xét trình độ tốt nghiệp THPT và tương đương; là cơ sở để các trường ĐH, CĐ xét tuyển thí sinh vào ngành học mà họ xin dự tuyển. Các trường ĐH, CĐ đưa ra phương án tính tổng điểm của các môn thi để tuyển sinh vào các ngành học theo yêu cầu của trường mình (có thể tính tổng điểm các môn có hệ số). Đối với một số trường đại học có yêu cầu đặc biệt hoặc yêu cầu cao hơn về chất lượng đầu vào có thể xem đây là điểm sơ tuyển. Trên cơ sở số thí sinh đã được sơ tuyển, các trường này có thể tổ chức thêm các kỳ thi về năng khiếu, các kỳ thi nâng cao hoặc/và phỏng vấn để chung tuyển. 

Theo QĐND