(Baonghean.vn) - Đó là ghi nhận của đoàn khảo sát Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh tại huyện Thanh Chương về chương trình sữa học đường và quy hoạch mạng lưới trường lớp sáng 14/11.
Chuẩn bị cho các nội dung kỳ họp tiếp theo của HĐND tỉnh, Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh thực hiện khảo sát các nội dung về quy hoạch mạng lưới trường lớp điều chỉnh sửa đổi một số mục của Nghị quyết 70; trình HĐND tỉnh cơ chế thực hiện chương trình sữa học đường cho đến khi có nghị quyết ban hành về nội dung này.
Tại huyện Thanh Chương, đoàn thực hiện khảo sát tại 2 trường tiểu học là trường Trần Hưng Học và Đặng Thai Mai ở xã Thanh Xuân và Trường Mầm non xã Đồng Văn.
Đối với việc thực hiện chương trình sữa học đường, các trường học đoàn tiến hành khảo sát đều có ý kiến đề xuất tiếp tục duy trì và thực hiện chương trình này. Các nhà trường cũng như phụ huynh học sinh qua hơn 2 năm triển khai đã dần nhận ra được tính nhân văn của mục tiêu chương trình sữa học đường, góp phần tích cực hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho học sinh.
Tại Trường Tiểu học Trần Hưng Học và Tiểu học Đặng thai Mai xã Thanh Xuân, hiệu trưởng các trường đều cho biết: Thời gian đầu triển khai chương trình này nhà trường gặp phải một số phản ứng trái chiều của phụ huynh học sinh do chưa hiểu hết chính sách của nhà nước và chưa thấy hết hiệu quả của việc bổ sung dinh dưỡng cho trẻ từ sữa.
Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, cán bộ giáo viên nhà trường và phụ huynh học sinh đều ghi nhận sự ưu việt của chương trình sữa học đường đối với sự chăm sóc sức khỏe của học sinh, đặc biệt là đối với con em các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách.
Cô Nguyễn Thị Huệ - Hiệu trưởng Trường Mầm non Đồng Văn, xã Đồng Văn cũng khẳng định chương trình sữa học đường đã hỗ trợ tích cực cho việc tăng trưởng cân nặng, chiều cao của trẻ. Thực tế tại Trường Mầm non Đồng Văn, đầu các kỳ học nhà trường đều tiến hành cân đo chiều cao, cân nặng của trẻ và đến cuối kỳ, cuối năm các chỉ số này của trẻ đều có sự tăng trưởng tích cực, được phụ huynh học sinh ghi nhận.
Tuy nhiên, các nhà trường cũng đề xuất hỗ trợ một số khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình sữa học đường, đó là việc xử lý rác thải từ hộp sữa; tăng cường kiểm tra chất lượng sữa, đầu tư kho bảo quản và việc vận chuyển sữa tới các điểm trường lẻ; chế độ hỗ trợ cho cán bộ giáo viên kiêm nhiệm thực hiện chương trình này.
Đối với việc thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp trên địa bàn huyện Thanh Chương, khảo sát tại 2 trường tiểu học của xã Thanh Xuân, là 2 trường nằm trong kế hoạch sát nhập tời gian tới, các nhà trường đều thống nhất chủ trương và đang chuẩn bị cho việc sát nhập. Tuy nhiên, việc sát nhập trường cũng gặp một số khó khăn nhất định.
Ông Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Học cho biết: Do xã Thanh Xuân có địa bàn rộng, dân số đông thứ hai của huyện Thanh Chương, người dân còn nghèo, hệ thống giao thồn đi laijc òn khó khăn, trường có 2 điểm nên nếu sát nhập sẽ gặp khó khăn trong quản lý hoạt động và nâng cao chất lượng dạy học. Đặc biệt là việc điều phối giáo viên, bởi phần lớn giáo viên của trường đều sinh sống ở địa phương khác.
Tại các cuộc làm việc, bà Nguyễn Thị Lan - Phó ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh ghi nhận những phản ánh của các trường để tổng hợp báo cáo trình phiên họp sắp tới của HĐND tỉnh, phục vụ cho việc triển khai các nội dung kỳ họp chất lượng, hiệu quả, thiết thực phục vụ lợi ích của người dân.
Hoài Thu