Bữa ăn sáng trong ngày thi của học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh. Ảnh: Mỹ Hà

Từ hơn 4h sáng, chị Nguyễn Thị Hương Lan cùng 5 thành viên khác ở nhà bếp đã đến trường thi để chuẩn bị bữa sáng cho hơn 200 thí sinh, tình nguyện viên và một số phụ huynh đang ở lại ký túc xá của trường. Thực đơn cho ngày thi, dù được chăm chút kỹ càng hơn nhưng không khác nhiều so với ngày thường với bánh mì thịt bò hầm, bún. Gần 5h30 phút sáng, học sinh bắt đầu lục tục xuống phòng ăn. Nhìn các thí sinh ăn ngon, gương mặt tươi vui, chị và các chị em phục vụ như nhẹ đi một nỗi lo.

Thực đơn gồm bánh mỳ, bún và thịt bò hầm, giúp thí sinh vừa đủ chất nhưng không quá nặng bụng. Ảnh: Đức Anh

Chia sẻ thêm về công việc của mình, chị Lan cho biết: Mấy ngày thi, chúng tôi thường phục vụ các suất ăn theo nguyện vọng của các em. Ngày đầu tiên, các bạn đề nghị xôi đậu. Ngày thứ hai, áp lực “nhẹ” hơn nên chúng tôi nấu món có nước để các em ăn nhẹ nhàng nhưng vẫn phải đảm bảo dinh dưỡng. Các em đã ăn ở đây 3 năm nên tính cách hay sở thích của mỗi bạn chúng tôi đều nắm rất rõ.

Dậy từ sáng sớm nhiều thí sinh tranh thủ dọn lại tư trang hành lý để cuối buổi chiều có thể về nhà. Ảnh: Mỹ Hà

Trường THPT DTNT tỉnh, chị Hương Lan và các chị trong tổ bếp được các con gọi bằng mẹ. Bản thân các chị cũng xem các con như người thân trong gia đình. Những ngày bình thường, với chế độ ăn chỉ 38.000 đồng/cháu/ngày, các chị đã phải cân đo đong đếm sao cho có những suất ăn đầy đủ và dinh dưỡng nhất. Nhưng ngày thi, cũng với số tiền ấy, các chị lại càng phải đắn đo, để mong sao sau mỗi suất ăn các học sinh thấy được tấm lòng của thầy cô và nhân viên phục vụ trong nhà trường.

Sáng sớm không khí yên tĩnh nhiều thí sinh tranh thủ ôn lại bài ở ngay dưới ký túc xá. Ảnh: Đức Anh

Để tăng thêm khẩu phần ăn cho học sinh, trước ngày thi, nhà trường cũng đã được một số mạnh thường quân hỗ trợ thêm một phần kinh phí nên việc tổ chức bữa ăn cho thí sinh được chu đáo và đầy đủ hơn, có tôm, có gà, có thịt đầy đủ.

Ngoài bữa ăn sáng cho ngày thi thứ 2, ngày hôm nay cũng là một ngày đặc biệt với tổ nấu ăn của nhà trường bởi trưa nay, các học sinh sẽ ăn bữa trưa cuối cùng của nhà trường. Chiều nay, sau môn thi cuối các lớp sẽ liên hoan và một số bạn cũng sẽ ngược xe để về với bản làng...

Các thí sinh bước vào môn thi đầu tiên trong ngày thi thứ 2 Kỳ thi THPT Quốc gia 2023. Ảnh: Mỹ Hà
Gương mặt rạng rỡ của các thí sinh đến từ các huyện vùng cao xứ Nghệ. Ảnh: Đức Anh

Trước ngày thi cuối, dù rất lưu luyến nhưng các thí sinh ở Trường PT Dân tộc nội trú tỉnh vẫn cố gắng giấu đi cảm xúc để dành “năng lượng” tốt nhất cho những bài thi quan trọng. Tranh thủ đọc lại bài trước buổi thi, học sinh Ngô Thơm - nhà ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông cho biết: Hai môn thi ngày hôm qua em chưa thực sự hài lòng với mình, trong đó môn Văn là môn xét đại học của em nhưng em nghĩ mình chỉ được gần 9 điểm. Toán em làm bình thường nên hy vọng được hơn 6 điểm.

Trường THPT Dân tộc nội trú gặp mặt các thí sinh trước khi bước vào ngày thi cuối. Ảnh: Mỹ Hà

Trước kỳ thi này, Thơm cũng đã xét tuyển học bạ vào Trường Đại học Văn Lang và có thông báo trúng tuyển. Thế nhưng, mục tiêu của Thơm là Học viện Báo chí tuyên truyền và ngành Truyền thông đa phương tiện của Trường Đại học Thăng Long nên em đặt quyết tâm cao vào ngày thi cuối cùng, trong đó có 2 môn quan trọng em dùng để xét tuyển vào đại học, đó là Lịch sử và Địa lý.

Nói về mong muốn của mình, Thơm nói thêm: Em đang hi vọng kỳ thi này mình sẽ được 28,5 điểm nên em mong rằng đề thi sẽ ra đúng vào tất cả những phần mình đã ôn thi. Ngoài ra, đề vừa sức, trong tầm tay của chúng em.

Trong ngày hôm nay việc kiểm tra hồ sơ thí sinh được các điểm thi thực hiện chặt chẽ. Ảnh: Đức Anh

Học sinh Trần Minh Pháp - nhà ở huyện Tương Dương cũng đang đặt mục tiêu vào Trường Đại học Bách Khoa với tổ hợp xét tuyển khối Aoo (Toán - Lý - Hóa). Hôm qua, Pháp hoàn thành môn thi Toán nhưng chưa thực sự hài lòng vì em sai một câu dễ ăn điểm. Dù rất tiếc nuối nhưng Pháp không nghĩ nhiều đến bài thi để dành sức cho hai môn thi cuối cùng.

Chia sẻ về điều này, Pháp nói thêm: 40 câu đầu tiên của đề Toán hôm qua không quá khó đối với em. Tuy nhiên, em hơi vội vàng, muốn làm nhanh để dành thời gian cho các câu sau nên dẫn đến sai lầm không đáng có. Đó là một kinh nghiệm cho em trong ngày thi hôm nay. Em hi vọng, hôm nay mình sẽ làm tốt hơn, phát huy được lợi thế môn Hóa học và môn Vật lý. Em cũng hi vọng, đề thi sẽ có tính phân hóa tốt để công bằng cho mọi thí sinh.

Một thí sinh tự do dự thi cùng với các thí sinh Trường THPT DTNT tỉnh. Đây cũng là thí sinh nhiều tuổi nhất (sinh năm 1980). Ảnh: Mỹ Hà

Để tạo tâm lý tốt nhất cho các thí sinh, trước ngày thi cuối cùng Trường PT Dân tộc nội trú tỉnh dành 5 phút để tập trung thí sinh và nhắc nhở thí sinh thực hiện đúng quy chế thi, kiểm tra lại vật dụng tư trang và động viên, khích lệ học sinh cố gắng “vượt đèo” thành công. Trong số những thí sinh của trường, một số học sinh có bố mẹ xuống để đồng hành cùng con nhưng để tạo tâm lý tốt nhất, tránh các con không bị phân tâm, các phụ huynh đa phần đều chọn ở ngoài nhà trường.

Thí sinh Bùi Thị Vân Anh đã vào phòng thi, nhưng mẹ của em vẫn ở ngoài cổng trường ngồi đợi. Trên tay chị là con gái út mới 4 tuổi, có lẽ thức dậy sớm cùng mẹ và chị gái đi thi, nên cô bé đã ngủ thiếp đi dù ngoài trời nắng nóng gay gắt. “Từ tết tới giờ cháu chỉ mới về thăm nhà có một lần dịp nghỉ lễ 30/4. Còn lại cháu nói ở trường để tập trung ôn thi. Kể cả lúc cận kề kỳ thi, cháu không sử dụng điện thoại, chỉ gọi điện về báo tình hình sức khỏe bình thường cho bố mẹ yên tâm”, mẹ em Vân Anh nói.

Chị chia sẻ thêm, mặc dù ở xa, nhưng chị vẫn luôn theo dõi kết quả học tập của con. Các lần thi thử, nhà trường đều báo điểm về cho phụ huynh được biết. Trong những lần thi thử gần nhất, con gái chị đều đạt điểm nằm trong tốp đầu của trường. Trong kỳ thi chính thức, chị đã bắt xe khách xuống thành phố Vinh để động viên, tiếp sức và giúp con yên tâm làm bài.

Các giám thị phổ biến quy chế thi và hướng dẫn thí sinh sử dụng giấy thi đúng quy định. Ảnh: Đức Anh

Ngày thi cuối, các cán bộ làm nhiệm vụ tại điểm thi vẫn thực hiện theo đúng nhiệm vụ phân công với các quy trình quen thuộc như ở các ngày thi trước. Tuy nhiên, hôm nay, sau sự cố nghi lọt đề của hai môn thi Toán và Ngữ văn, công tác đảm bảo an toàn, nghiêm túc, phòng tránh gian lận thi cử được các điểm thi chú trọng hơn. Về phía cán bộ, giám thị coi thi trực tiếp cũng kiểm tra kỹ càng hơn các thí sinh trước khi các em bước vào phòng thi.

Sau 3 năm gắn bó buổi thi cuối đối với các thí sinh đến từ các địa phương vùng cao có một ý nghĩa đặc biệt, chia xa mái trường vẫn còn đọng lại phía sau tình thầy cô, tình bạn bè và nhiều kỷ niệm không bao giờ quên. Ảnh: Mỹ Hà