Cố vấn chính phủ Libya Abdul Basit Haroun cho biết, những kẻ buôn lậu đang giấu các tay súng IS trên những con thuyền chứa đầy người di cư.
Các nước châu Âu đang đau đầu với bài toàn di cư để ngăn chặn những thảm kịch có thể xảy ra trên biển và trên sa mạc trong hành trình của người dân một số nước châu Phi muốn tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn ở châu Âu.
Cuộc khủng hoảng di cư này không chỉ mang lại những nỗi lo về gánh nặng kinh tế, xã hội, nó cũng đang đặt châu Âu trước những mối lo ngại về an ninh, khi các quan chức Libya ngày 16/5 cảnh báo, nhiều tổ chức tội phạm tại Địa Trung Hải đang đưa những tay súng Nhà nước Hồi giáo vào châu Âu.
Trả lời phỏng vấn trên Kênh truyền hình BBC của Anh ngày 16/5, cố vấn chính phủ Libya Abdul Basit Haroun cho biết, những kẻ buôn lậu đang giấu các tay súng IS trên những con thuyền chứa đầy những người di cư, vì cảnh sát châu Âu không phân biệt được ai là từ IS và ai là những người tị nạn thông thường.
Theo ông Haroun, thông tin này đáng tin cậy vì ông đã có cuộc gặp với những chủ thuyền buôn người tại một số khu vực Bắc Phi. IS cũng thao túng các chủ thuyền buôn người, cho phép họ hoạt động nhưng yêu cầu họ cắt lại 50% lợi nhuận cho mỗi chuyến buôn người. Trên thuyền, các nhóm phiến quân thường ngồi tách biệt và tỏ ra không sợ hãi giống như những người di cư khác. Các quan chức Libya cũng cảnh báo, IS đang lên kế hoạch tiến hành các vụ tấn công tại châu Âu trong năm nay.
Từ đầu năm đến nay có khoảng 51.000 người đã cập bến châu Âu bằng đường biển, trong đó 30.500 người đi qua Italy.
Có khoảng 1.800 người thiệt mạng khi tìm cách vượt biển Địa Trung Hải để vào châu Âu. Tổ chức Di trú quốc tế mới đây cũng cảnh báo, châu Âu sẽ không chỉ đối mặt với các thảm họa nhân đạo trên biển mà còn cả trên đất liền, khi số lượng người di cư châu Phi qua sa mạc Niger tới châu Âu có thể tăng gấp đôi lên khoảng 100.000 người năm nay. Số lượng người di cư thiệt mạng trên sa mạc có thể tương tự với số người thiệt mạng trên biển Địa Trung Hải.
Người đứng đầu phái bộ của Tổ chức Di trú quốc tế tại Niger Giuseppe Loprete cho biết: “Đây là một hành trình khó khăn, với nhiều giai đoạn. Nhiều khi người di cư bị lạm dụng thể chất và tinh thần. Bản đồ đi đường của họ bị những kẻ buôn người tịch thu và họ bị cướp hết tiền bạc. Chúng ta đang tiến hành cứu hộ trên biển, nhưng trên sa mạc điều đó rất khó. Đây là một khu vực rộng lớn để kiểm soát. Chúng tôi không có số liệu thống kê chắc chắn bao nhiêu người thiệt mạng trên sa mạc, nhưng chúng tôi nghĩ số lượng còn lớn hơn so với thảm kịch tại biển Địa Trung Hải”.
Việc tiếp nhận người di cư vào châu Âu, không chỉ gây gánh nặng kinh tế, xã hội của các nước thành viên Liên minh châu Âu, mà còn đang tạo ra sự bất đồng mâu thuẫn trong nội bộ các nước, liên quan đến việc chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận người nhập cư. Chương trình tiếp nhận người nhập cư được cứu trên biển Địa Trung Hải mà Ủy ban châu Âu công bố hôm 13/5 dự kiến áp đặt hạn ngạch phân chia số người nhập cư có đơn xin tị nạn đến các quốc gia châu Âu, căn cứ vào GDP, dân số và tỷ lệ thất nghiệp của quốc gia đó.
Theo đó, Đức, Pháp và Anh sẽ là những quốc gia tiếp nhận số lượng người nhập cư nhiều nhất. Thủ tướng Pháp Manuel Valls ngày 16/5 lên tiếng phản đối kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU). Theo Thủ tướng Valls, tị nạn là quyền được quy định theo tiêu chuẩn quốc tế và không thể áp đặt hạn ngạch số người được chấp nhận tị nạn, vì còn phụ thuộc vào việc người nhập cư có xin tị nạn hay không.
Ông Valls cũng nhấn mạnh, việc tiếp nhận người nhập cư phải được phân chia công bằng hơn giữa các quốc gia thành viên: “Tôi phản đối việc thiếp lập hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn. Điều này không phù hợp với đề xuất của Pháp. Tuy nhiên, châu Âu phải có chính sách tị nạn và Pháp đang tiến hành cải cách hệ thống của mình giúp hoạt động hiệu quả hơn. Dự luật đang được thảo luận hiện nay tại Thượng viện Pháp”.
Thủ tướng Pháp cũng kêu gọi EU cần tăng cường hệ thống kiểm soát biên giới để ngăn chặn nạn nhập cư trái phép ngày càng trầm trọng hiện nay. Anh trước đó cũng tuyên bố phản đối kế hoạch của EU về việc phân bổ hạn ngạch cho các nước thành viên trong việc tiếp nhận người tị nạn./.
Theo VOV.VN