Các sở hiện nay sẽ được phân nhóm, quy định những sở nào thống nhất trong cả nước, những sở nào giao quyền địa phương quyết định. Chính phủ chỉ quy định khung các cơ quan chuyên môn, khung cấp phó, số lượng biên chế tối thiểu để thành lập và tiêu chí thành lập các đơn vị đặc thù.
“Trên cơ sở đó, Chính phủ giao cho địa phương quyết định việc sáp nhập, hợp nhất, thành lập một số sở và sắp tới TƯ không quy định sở có bao nhiêu phòng”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói.
4 sở được cơ cấu, tổ chức theo đặc thù
Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành cũng cho hay, hiện nay Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo nghị định thay thế nghị định 24/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và dự thảo nghị định thay thế nghị định số 37/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.
Bộ Nội vụ đã tổ chức hội thảo và đang khảo sát tại 8 tỉnh, thành để hoàn thiện 2 dự thảo này. Sau đó Bộ lấy kiến các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan lần 3, gửi Bộ Tư pháp thẩm định lần 2 và báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Theo đó, cơ cấu sở được chia thành 2 loại. 17 sở hiện nay được chia thành 3 nhóm.
Nhóm 1 là 7 sở được tổ chức thống nhất trên phạm vi cả nước: Nội vụ, Tư pháp, Tài nguyên Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Thanh tra, VP UBND tỉnh. Riêng VP UBND cấp tỉnh, nếu thực hiện thí điểm hợp nhất với VP HĐND cấp tỉnh và VP Đoàn ĐBQH thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung thì đổi tên thành VP chính quyền địa phương cấp tỉnh.
Nhóm 2 là các sở được quy định theo hướng giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định giữ ổn định hoặc hợp nhất.
Nhóm 3 gồm các sở được quy định theo hướng giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định giữ ổn định hoặc sáp nhập.
Đối với 4 sở đặc thù, không được tổ chức thống nhất giữa các địa phương (Sở Quy hoạch- Kiến trúc thuộc UBND TP Hà Nội, TP.HCM và 3 Sở do Chính phủ quy định tiêu chí thành lập: Ban Dân tộc, Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch) thì giao UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định giữ ổn định hoặc sáp nhập, thành lập hoặc không thành lập.
Về khung số lượng các sở sau khi sắp xếp, Bộ Nội vụ đưa ra 2 phương án. Phương án 1 quy định tổng số lượng sở sau khi thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập, thành lập hoặc không thành lập, bảo đảm tổng số lượng sở sau khi sắp xếp không vượt quá số lượng sở hiện có.
Phương án 2 quy định tổng số lượng sở sau khi thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập, thành lập hoặc không thành lập, bảo đảm số lượng sở tối đa của từng địa phương theo phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh. Trong đó quy định về tiêu chí thành lập các tổ chức thuộc cơ cấu tổ chức của sở và số lượng cấp phó của sở và các tổ chức bên trong của sở.
Chấm dứt tình trạng sếp nhiều hơn nhân viên
Trước câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Nội vụ thế nào khi một vụ của Bộ KH-ĐT có 2 vụ trưởng kéo dài nhiều năm nay, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức Trương Hải Long cho rằng, vấn đề số lượng cấp phó hoặc bổ nhiệm lãnh đạo không đúng quy định, Thủ tướng chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành địa phương rà soát, để giải quyết dứt điểm, không có trường hợp nào đặc thù.
Trường hợp còn dưới 1 năm công tác vẫn cho tiếp tục duy trì để bảo đảm tối thiểu đến 1/7, không còn đơn vị nào thực hiện không đúng các quy định về số lượng cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan đơn vị và tổng hợp báo cáo Thủ tướng.
“Về trách nhiệm của Bộ Nội vụ, sau thời hạn đó, trên cơ sở báo cáo của bộ, ngành, địa phương, nếu phát hiện còn đơn vị nào vi phạm, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo Thủ tướng”, ông Long nói.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng lý giải thêm, lâu nay chúng ta không quy định biên chế tối thiểu trong một phòng, 1 vụ là bao nhiêu mà chỉ quy định số lượng cấp trưởng, cấp phó không quá bao nhiêu nên phát sinh tình trạng tỉ lệ lãnh đạo cao, không hợp với thực tiễn.
Theo ông Thăng, dự kiến trong quý 2, Chính phủ sẽ ban hành 2 nghị định nói trên, khắc phục tình trạng lãnh đạo nhiều hơn nhân viên mà báo chí phản ánh thời gian qua.