Công ước 1982 đã dành toàn bộ phần XV gồm 30 điều để quy định giải quyết các tranh chấp biển. Tinh thần cơ bản của Công ước theo đúng Hiến chương Liên hợp quốc là các quốc gia giải quyết mọi tranh chấp xảy ra giữa họ về giải thích hay áp dụng Công ước bằng phương pháp hòa bình. Cụ thể, cơ chế giải quyết các tranh chấp như sau:
+ Các quốc gia được tự do lựa chọn các phương pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp xảy ra giữa họ về vấn đề giải thích hay áp dụng Công ước thông qua đàm phán, trao đổi quan điểm hoặc hòa giải.
+ Trong trường hợp khi tranh chấp không thể giải quyết được bằng thủ tục hòa giải thì theo yêu cầu của một bên tranh chấp, họ phải buộc lựa chọn 1 trong 4 khả năng của thủ tục bắt buộc dẫn tới các quyết định bắt buộc là: a) Tòa án quốc tế về Luật Biển; b) Tòa án quốc tế; c) Một Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII Công ước và d) Một Tòa trọng tài đặc biệt để giải quyết tranh chấp liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước 1982 trong từng lĩnh vực riêng biệt.
Nếu các bên không nhất trí chọn thủ tục này thì trọng tài sẽ là biện pháp cuối cùng. Và khi đó dù chọn hình thức nào thì phán quyết hay quyết định của trọng tài cũng là tối hậu và bắt buộc.
Tuy nhiên, các lựa chọn này cần căn cứ vào thẩm quyền mà Công ước 1982 đã trù định cho các tòa trên và phải loại bỏ các trường hợp ngoại lệ, trong đó các quốc gia thành viên không có nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp bằng thủ tục bắt buộc dẫn tới các quyết định bắt buộc. Đó là các tranh chấp liên quan tới phân định các vùng biển giữa các quốc gia; các tranh chấp về vịnh hay danh nghĩa lịch sử; các tranh chấp liên quan đến các hoạt động quân sự, hành động bắt buộc chấp hành đã được thực hiện trong việc thi hành các quyền thuộc chủ quyền; các tranh chấp mà Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi thi hành các chức năng của mình do Hiến chương Liên hợp quốc gia có trách nhiệm phải giải quyết.
+ Tất cả các thủ tục giải quyết tranh chấp này đều được để ngỏ cho các quốc gia thành viên khi quy định: khi ký kết, phê chuẩn hay tham gia công ước hoặc ở bất kỳ thời điểm nào sau đó, một quốc gia có thể tuyên bố bằng văn bản rằng mình không chấp nhận một hay nhiều thủ tục giải quyết tranh chấp đã được trù định.
Tóm lại, việc thực thi Công ước 1982 trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp biển tập trung vào 3 yêu cầu: nghĩa vụ giải quyết hòa bình các tranh chấp, nhất là tranh chấp phân định biển; nghĩa vụ lựa chọn các hình thức tài phán bắt buộc giải quyết tranh chấp và nâng cao năng lực của Tòa án quốc gia ven biển trong xử lý các vi phạm của tàu thuyền nước ngoài đối với các quy định của quốc gia ven biển phù hợp với công ước. Với tư cách thành viên Liên hợp quốc và Công ước 1982 như mọi quốc gia khác, Việt Nam luôn chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp trong giải thích và áp dụng Công ước 1982 (còn kỳ cuối).