Tất cả các vùng biển đều được xác định dựa trên đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Công ước 1982 quy định 2 phương pháp chính để xác lập đường cơ sở là đường cơ sở thông thường và đường cơ sở thẳng.

 

Điều 5 Công ước 1982 quy định: "trừ khi có quy định trái ngược của Công ước, đường cơ sở thông thường dùng để tính chiều rộng lãnh hải là ngấn nước triều thấp nhất dọc theo bờ biển, như được thể hiện trên các hải đồ tỷ lệ lớn đã được quốc gia ven biển chính thức công nhận". Đối với các đảo cấu tạo bằng san hô hoặc các đảo có đá ngầm ven bờ bao quanh, phương pháp đường cơ sở thông thường cũng được áp dụng (điều 6).

 

Phương pháp này có ưu điểm phản ánh đúng đường bờ biển của các nước, hạn chế bớt sự mở rộng các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia. Tuy nhiên, phương pháp này rất khó áp dụng đối với các bờ biển khúc khuỷu, phức tạp.

 

Theo điều 7, Công ước 1982, trường hợp áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng, đó là những nơi bờ biển khúc khuỷu, bị khoét sâu và lồi lõm; ở những nơi có một chuỗi đảo chạy qua; ở những nơi có các điều kiện thiên nhiên đặc biệt gây ra sự không ổn định của bờ biển như có các châu thổ. Công ước không đưa ra một tiêu chuẩn khách quan nào để xác định thế nào là bờ biển khúc khuỷu, bị khoét sâu và lồi lõm hoặc như thế nào là chuỗi đảo. Tuy nhiên, từ thông lệ có thể đồng ý một bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm phải có nhiều cửa sông, nhiều vịnh đáp ứng được các tiêu chuẩn về vịnh pháp lý được quy định tại điều 10 của Công ước 1982, cho dù bờ biển này còn có những cửa sông khác ít lõm hơn hoặc chuỗi đảo bao gồm rất nhiều đảo và có thể là 2 hay 3 đảo. Tương tự, Công ước chưa có tiêu chuẩn thế nào là "nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển"...

 

Vì vậy, Công ước đưa ra 2 điều kiện trong khi vạch đường cơ sở thẳng: tuyến các đường cơ sở không được đi chệch quá xa hướng chung của bờ biển và các vùng biển ở bên trong các đường cơ sở này phải gắn với đất liền đủ đến mức đặt dưới chế độ nội thuỷ. Tuy nhiên, trong khi kẻ một số đoạn đường cơ sở thẳng theo điều 7, khoản 1 quy định, quốc gia ven biển có thể tính đến những lợi ích kinh tế riêng biệt của khu vực đó mà tầm quan trọng của nó đã được một quá trình sử dụng lâu dài chứng minh.

 

Ngoài ra, Công ước có 3 quy định: thứ nhất, các đường cơ sở thẳng không được kéo đến hoặc xuất phát từ các bãi cạn lúc nổi lúc chìm, trừ trường hợp có đèn biển hoặc thiết bị nhô lên mặt nước hoặc việc vạch các đường cơ sở thẳng đó đã được thừa nhận chung của quốc tế; hai là, phương pháp đường cơ sở thẳng do một quốc gia áp dụng không được làm cho lãnh hải của một quốc gia khác bị tách khỏi biển cả hoặc vùng đặc quyền kinh tế; thứ ba, quốc gia ven biển phải công bố theo đúng thủ tục các hải đồ hay bản kê toạ độ địa lý của hệ thống đường cơ sở của mình và gửi đến Tổng Thư ký Liên hợp quốc 1 bản để lưu chiểu

                                                                   (còn nữa).

Phòng Bạn đọc (st & gt)