Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), ngày 6/3, sáu nhà du hành vũ trụ của Mỹ đang cố gắng hoàn thành sứ mệnh của họ tại Trạm Không giam Quốc tế (ISS), trước khi trở lại tàu con thoi Discovery và quay về Trái đất.

Trong một tuyên bố, NASA cho biết "ngày hôm nay, 12 thành viên phi hành đoàn sẽ dành những giờ phút cuối cùng với nhau, thực hiện chuyển giao một số mẫu khoa học trọng tải từ phòng lạnh trên ISS sang tàu con thoi Discovery, nói những lời tạm biệt với các đồng nghiệp và đóng cửa nối giữa ISS và Discovery."

763818_small_61067.jpg
 Trạm vũ trụ quốc tế ISS. Nguồn: Internet

Trong sứ mệnh kéo dài 13 ngày lần này, các nhà du hành vũ trụ đã lắp đặt thêm một module cố định đa mục đích (PMM), hoàn thành một số hạng mục sửa chữa quan trọng và vận chuyển một người máy đầu tiên lên vũ trụ, có tên gọi là Robonaut 2 (R2), mặc dù vẫn cần có thêm thời gian để lắp ráp và đưa vào họat động.

Tàu con thoi Discovery và các phi hành đoàn dự kiến sẽ hạ cánh vào ngày 9/3, đánh dấu chuyến bay cuối cùng vào không gian của con tàu này trong chương trình vũ trụ của Mỹ.

Trước đó, sau nhiều lần trì hoãn, sáng 25/2 (giờ Hà Nội), tàu vũ trụ Discovery của Mỹ đã rời bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở bang Florida, để lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Đây là chuyến bay thứ 39 và cũng là chuyến bay cuối cùng của tàu Discovery trước khi phi đội gồm 3 tàu con thoi của NASA chính thức "nghỉ hưu" trong năm nay.

Kể từ chuyến bay đầu tiên vào năm 1984 cho đến ngày 7/3 - thời điểm Discovery kết thúc sứ mệnh lần thứ 39, con tàu "lớn tuổi" nhất của NASA này đã vượt được quãng đường dài 230 triệu km, với 363 ngày trên vũ trụ và bay vòng quanh Trái Đất 5.800 lần, mang theo 180 nhà du hành và hệ thống kính viễn vọng Hubble Space.

Chuyến bay này của Discovery đã mở màn kế hoạch cho 3 tàu con thoi "nghỉ hưu" của NASA. Dự kiến, Endeavour sẽ thực hiện chuyến bay cuối vào ngày 19/4 tới và tàu Atlantis là ngày 28/6. Sau đó, Mỹ sẽ phải dựa vào tàu "Liên hiệp" (Soyuz) của Nga trong việc đưa các phi hành gia lên ISS cho đến khi đưa vào hoạt động tàu vũ trụ mới có tên "taxi vũ trụ" vào khoảng năm 2015.


Theo Vietnam+