(Baonghean) - Tối 2/4 có thể xem là một bước ngoặt lịch sử trong chương trình hạt nhân của Iran khi các bên tuyên bố đạt được một thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân Iran. Ngay sau khi tuyên bố được đưa ra, các quốc gia trên thế giới đều bày tỏ sự hoan nghênh trước sự kiện này.

Các nhà đàm phán cho biết, những cuộc đàm phán marathon ở Thành phố Lausanne về chương trình hạt nhân của Iran bắt đầu có những bước ngoặt quan trọng để hướng tới một thỏa thuận cuối cùng vào ngày 30/6 tới đây. Theo tiết lộ sơ bộ, các bên đã thống nhất được việc sẽ giảm khả năng làm giàu uranium của Iran cũng như việc Iran sẽ chỉ duy trì 6.000 máy li tâm trên tổng số 19.000 máy.

Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: AFP

Sau khi đạt được thỏa thuận, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zaif tuyên bố, thỏa thuận trên đã kết thúc “một vòng luẩn quẩn vì lợi ích”. Một nhà đàm phán khác cũng chỉ ra rằng “một cuộc đối thoại thực sự mới có thể giải quyết được vấn đề cũng như mở ra một chân trời mới”.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ca ngợi đó là một “thỏa thuận lịch sử và nếu nó được tuân thủ thì sẽ có thể ngăn chặn việc Iran chế tạo vũ khí hạt nhân”. Ông Obama chào đón việc “Iran đã đồng ý chấp nhận chế độ minh bạch và kiểm tra toàn diện trong lịch sử chương trình hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, ông Obama cũng cho biết thêm rằng “công việc còn chưa hoàn tất”.

Các nước châu Âu cũng hoan nghênh việc các bên thành công trong việc ký kết thỏa thuận và khẳng định đây là một bước tiến mới để các bên đạt được một thỏa thuận cuối cùng. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh Philip Hammond tuyên bố các văn bản trên đã vượt xa những gì mà mọi người mong đợi trong 18 tháng qua. Tuy nhiên, ông Hammond cũng nghĩ rằng “mặc dù đã có hiệp định khung nhưng vẫn còn tồn tại những vấn đề mà chúng ta cần phải tiếp tục làm việc”. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel đồng ý rằng thỏa thuận trên là “một bước tiến quan trọng” đồng thời tin tưởng “hơn bao giờ hết, chúng tôi đang tiến gần đến một thỏa thuân nhằm ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân”. Về phần Pháp, Điện Elysée thông báo, Pháp sẽ “đảm bảo” việc thực hiện các điều khoản thỏa thuận. Không chỉ dừng lại đó, Pháp còn cảnh báo các lệnh trừng phạt vẫn có thể phục hồi nếu như các thỏa thuận không được áp dụng.

Chính phủ Moscow cũng hoan nghênh thỏa thuận trên và cho biết đó là một sự công nhận “vô điều kiện để Iran phát triển về một chương trình hạt nhân dân sự”. Bộ ngoại giao Nga thông báo “Trong thỏa thuận này, quyền vô điều kiện giúp Iran theo đuổi chương trình hạt nhân hòa bình là một nguyên tắc do Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất”.

Về phần mình, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki Moon cho biết, nếu thỏa thuận hạt nhân của Iran trở thành hiện thực thì nó sẽ “góp phần duy trì hòa bình và ổn định khu vực” cho Trung Đông.

Tuy nhiên, trái với thái độ chào đón của các nước, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn nhấn mạnh lập trường cứng rắn của mình về vấn đề chương trình hạt nhân của Iran. Theo ông Benjamin, việc tồn tại chương trình hạt nhân của Iran luôn là “mối đe dọa đến sự sống còn của Israel”.

Chu Thanh (Theo Le Monde 3/4)