Từng giành giải báo chí quốc gia ở thể loại phóng sự điều tra, từng bị dọa giết trong quá trình tác nghiệp, nhà báo Nguyễn Thu Trang, Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh cho rằng, những người làm báo theo cách… “tự bán mình”, họ rất đáng thương.

Nhà báo Nguyễn Thu Trang

Nhân ngày Báo chí cách mạng 21/6, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn nhà báo Thu Trang xung quanh chuyện nghề.

Độc giả biết đến chị qua những loạt phóng sự điều tra như: Sự thật nhận nuôi trẻ mồ côi ở chùa Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội); Cò công chức cho giáo viên ở Sóc Sơn (Hà Nội) và gần đây nhất là loạt bài “thâm nhập lò gạch “thổ phỉ” ở Hà Nội”. So với 10, 20 năm trước, chị có thấy phóng viên hiện nay có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để tác nghiệp? Chị có “ghen tỵ” với các bạn trẻ mới vào nghề đã có nhiều thuận lợi hơn ngày xưa?

Nhà báo Thu Trang:Tôi không ghen tị, cái gì cũng có tính hai mặt chứ. Tôi nghĩ mỗi thời điểm đều có cái dễ, cái khó riêng của nó. Người làm báo rất giỏi sáng tạo và biến khó khăn thành hiện thực mà. Nhưng với điều kiện phương tiện hiện đại như bây giờ, càng thuận lợi, người làm báo càng dễ lạc vào “mê cung”. Nghĩa là vào rừng mà chẳng thấy cây đâu!

Mảng phóng sự, phóng sự điều tra luôn là đề tài khó bởi nó đòi hỏi công sức, sự dấn thân của nhà báo, phóng viên mà ở đó luôn trực chờ nhiều cạm bẫy. Vì sao, chị lại dấn thân?

Nhà báo Thu Trang: Tôi cũng rất hay tự hỏi mình rằng; “Vì sao tôi làm báo? Vì sao tôi hay phải làm những đề tài khó, phải gắng gượng hết sức mình để làm nghề trong khi những người khác luôn sang chảnh hơn, nhàn hạ hơn?” Tôi cứ hỏi mãi mà cũng chưa khi nào tự trả lời được chính mình một cách thuyết phục. Ngay chính bản thân tôi còn không hiểu được thì có lẽ do… nhân duyên mà thôi.

Được biết, có không ít phóng viên, nhà báo vì “lợi ích cá nhân” sẵn sàng “bán mình” để bẻ cong ngòi bút. Bằng chứng là gần đây, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam vài nhà báo vì có hành vi ‘tống tiền” doanh nghiệp. Chị bình luận gì về điều này?

Nhà báo Thu Trang:  Thật sự thì những người làm báo theo cách… “tự bán mình”, họ rất đáng thương. Tôi luôn nghĩ chắc chắn rằng ở đâu đó trong sâu thẳm tâm hồn họ không muốn nghề của họ trở nên méo mó như vậy đâu? Họ cũng đều đã từng bắt đầu nghề, bằng một cuộc đời sinh viên báo chí với đầy ắp hoài bão ước mơ. Họ cũng luôn mong trở thành một người tốt, một nhà báo giỏi, một niềm tự hào của gia đình, người thân, đồng nghiệp.... Nhưng, cơm áo không đùa với khách thơ và họ đã gục ngã, thế thôi.

Trong quá trình “nhập vai” để điều tra chị  đã gặp những tình huống nào nguy hiểm chưa? Chị đối diện với điều đó ra sao?

Nhà báo Thu Trang: Nói vui một tẹo nhé! Nguy hiểm trong khi hoạt động tác nghiệp điều tra thì nhiều khi ngay cả việc phải đi lại quá nhiều, trên các cung đường khác nhau, bằng các loại phương tiện khác nhau… cũng đã là quá nhiều rủi ro rồi (với tỉ lệ hàng trăm vụ TNGT và vài chục mạng người xấu số mỗi ngày)? Tôi còn chưa nói đến việc phải hóa thân thành nhân vật, chui sâu vào các đường dây tội phạm để viết bài.

Đã có lần vì bị đe dọa, tôi phải trốn sang hẳn nước khác đấy (cười) và gần đây nhất còn bị dọa giết cả nhà nữa. Họ còn khuyến cáo; “phải mua đủ quan tài cho từng thành viên trong nhà, mỗi người một chiếc cơ. Ơn trời, mọi việc cũng qua rồi. Còn chị hỏi: “Đối diện với sự đe dọa tình huống nguy hiểm ấy như nào”? Tôi quả thật cũng không nhớ một cách rành mạch được. Chỉ biết là những lúc ấy có lẽ nỗi sợ thường làm tê thần kinh đi hay sao ấy nên cũng không thấy cái gì kinh khủng lắm. Nhưng cứ xong 1 chuyện mới bình tâm lại để… thấy bàng hoàng, thấy sợ...rất sợ.

Nhà báo cũng là con người, cũng có nhu cầu ăn, ở, nuôi sống bản thân và gia đình. Tôi tin, trong quá trình thực hiện bài bài điều tra, có không ít lần chị được “mặc cả để mua sự  im lặng”. Làm thế nào để vượt qua cám dỗ này?

Nhà báo Thu Trang: Có lẽ là may mắn cho tôi chăng? Vì chưa một lần nào khi đứng trước tình huống nếu phải dừng một đề tài hay viết khác sự thật đi thì sẽ nhận ngay một món tiền lớn để cho tôi lại mất công phải suy nghĩ, đấu tranh tiếp hay phải dùng một lý trí nào đó, một niềm tin nào đó để vịn, thay vì nhận món quà lớn đó. Nếu phải suy nghĩ, cân nhắc nặng nhẹ thiệt hơn.... tôi không bao giờ phải dùng đến quá 1% giây để từ chối cả.

Nghề báo cho chị điều gì? Có điều gì khiến chị trăn trở nhất hiện nay (hành lang pháp lý bảo vệ nhà báo hay đơn giản chỉ là chế độ nhuận bút?). Nếu có một lời khuyên, chị sẽ nói gì với những phóng viên làm điều tra, đặc biệt những trẻ mới vào nghề.

Nhà báo Thu Trang: Nghề báo đã cho tôi quá nhiều thứ mà tôi không thể kể hết được. Nhân câu hỏi này, tôi xin được nói một lời cảm ơn với nghề báo. Tôi mong muốn điều gì ư? Bản thân mấy ý trong câu hỏi của chị cũng là nỗi lòng chung của các nhà báo rồi. Đó là hành lang pháp lý tốt hơn, chế độ đãi ngộ, nhuận bút tốt hơn nữa... Nhưng ở đây tôi xin được nhấn mạnh 1 điều nhỏ thôi; “Tôi mong tất cả mọi người hãy hiểu hơn, cảm thông hơn, chia sẻ hơn với các nhà báo, nhất là nhà báo nữ....họ cô độc lắm”.

Một lời khuyên với các bạn trẻ viết mảng điều tra ư? Chỉ một từ thôi: “YÊU”. Nếu các bạn thật lòng yêu nghề, các bạn sẽ biết phải làm gì? Nếu đủ tình yêu với nghề, tự ngọn lửa tình yêu đó sẽ cháy lên bền bỉ. Nếu không yêu, đổi nghề ngay nhé!

Xin cảm ơn chị!

Theo Infonet