(Baonghean) Kỳ Sơn là huyện miền núi với 5 hệ dân tộc anh em sinh sống. Trong những năm gần đây, cùng với sự nỗ lực của toàn thể chính quyền và nhân dân, sự chung tay, góp sức của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, đời sống vật chất, tinh thần của bà con đã được cải thiện và nâng lên rõ rệt…

Cụ Cụt Mắn Nọi là người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khơ mú và người Mông ở bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn. Đây là xã tiếp giáp với nước bạn Lào, có Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn- nơi trao đổi, buôn bán, thông thương nên tình hình an ninh trật tự có nhiều phức tạp. Đặc biệt là nạn di cư tự do của đồng bào người Mông.

Cụ Cụt Mắn Nọi đã chủ động cùng với cán bộ chính quyền bản, xã, lực lượng công an vận động người dân thực hiện tốt các quy ước, hương ước của xã, của bản, chính sách của Nhà nước, đến từng nhà thuyết phục bà con không di cư tự do và đốt phá rừng đầu nguồn làm nương, làm rẫy; cảm hóa những người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng. Với những việc làm thiết thực, nhiều năm liền cụ được suy tôn là người có uy tín của tỉnh.

778480_small_77813.jpg

Phát triển kinh tế từ mô hình trang trại của già làng Hờ Ga Vừ, xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn).  Ảnh: Xuân Tuấn.

Được sự hỗ trợ từ Dự án UCP, già làng Vừ Xái Chù ở  bản Huồi Giảng 3, xã Tây Sơn được xem là người đầu tiên xung phong áp dụng khoa học kỹ thuật trồng thâm canh giống hồng trên đất rẫy. Do hợp khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây nên cây hồng phát triển tốt, hiện ông đang là chủ vườn cây ăn quả với 1000 gốc hồng mà không phải hộ dân nào cũng có được.

Bây giờ, cứ đến mùa thu hoạch, vườn hồng nhà ông lại đỏ rực một màu, mỗi vụ cho thu hoạch trên 40 tấn quả. Vừa phát triển kinh tế gia đình, ông còn thể hiện vai trò của một già làng, trưởng bản bằng việc tích cực vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó thay đổi cách nghĩ, cách làm, từng bước thoát khỏi cảnh đói nghèo, lạc hậu.

Thời gian qua,các già làng, trưởng bản trên địa bàn huyện đã và đang đóng góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân cũng như con cháu trong gia đình, dòng họ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước; tham gia đấu tranh tố giác tội phạm, bài trừ các tệ nạn xã hội; vận động người dân không tái trồng cây thuốc phiện, giao nộp vũ khí tự chế, vật liệu cháy, nổ…

Những năm qua, kinh tế - xã hội của huyện miền núi Kỳ Sơn có bước tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 6 triệu đồng/năm. 21/21 xã, thị trấn có đường ô tô về đến trung tâm. Trên 62% số xã và 27,4% thôn, bản có điện lưới quốc gia. Trên 80% hộ dân có nước sinh hoạt… Ông Cao Xuân Châu Quyền- Chủ tịch UBMTTQ huyện Kỳ Sơn cho biết: “Trong năm 2012, chúng tôi đã triển khai tổ chức cho già làng, trưởng bản, người có uy tín ký cam kết làm nhiều việc tốt. Một người có thể làm nhiều việc tốt gắn với xây dựng nông thôn mới. Dựa vào các tiêu chí của UBMT đưa ra, chúng tôi chọn ra 189 vị tương ứng với 189 bản để triển khai làm mẫu phong trào này. Không phải cứ già mới là người có uy tín, người trẻ cũng được cơ cấu nếu họ thật sự có uy tín trong cộng đồng”.

Thời gian tới, tin rằng đội ngũ già làng, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc sẽ tiếp tục cống hiến sức mình xây dựng quê hương Kỳ Sơn ngày càng đi lên!


Hồng Thoa