PV:Được biết, lực lượng BĐBP tỉnh vừa kết thúc Kế hoạch phối hợp thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Đại tá có thể cho biết cụ thể về những kết quả đã đạt được?
Đại tá Dương Hồng Hải: Công tác phòng, chống ma túy (PCMT) và các loại tội phạm trên địa bàn biên giới là một trong các nội dung công tác quan trọng của lực lượng BĐBP. Kế hoạch số 868/KH-BCH ngày 24/4/2019 về phối hợp thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy (TPMT) tuyến biên giới Việt Nam - Lào được Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh triển khai nhằm thực hiện Kế hoạch số 1433/KH-BTL ngày 5/4/2019 của Bộ Tư lệnh BĐBP về phối hợp thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy tuyến biên giới Việt Nam – Lào trên địa bàn 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa.
Trong đợt cao điểm phối hợp tấn công trấn áp TPMT, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã chủ trì phối hợp thực hiện 7 chuyên án, phát hiện bắt giữ, xử lý 40 vụ/50 đối tượng; tang vật thu 30 bánh và 34,26g heroin, 77.640 viên ma túy tổng hợp, 27,051 kg ma túy dạng đá, gần 8 nghìn gam ketamine cùng nhiều vũ khí, vật liệu nổ, phương tiện khác.
Ngoài ra, các đơn vị chủ trì và phối hợp cũng đã phát hiện, bắt giữ, 38 vụ/46 đối tượng với 7 chuyên án; thu giữ hàng chục nghìn viên ma túy tổng hợp, hơn 700 kg ma túy dạng đá cùng nhiều vũ khí, vật liệu nổ. Hoàn chỉnh hồ sơ khởi tố 21 vụ/20 đối tượng.
PV: Thực tế cho thấy, địa bàn tuyến biên giới trên đất liền và trên biển có những khó khăn, phức tạp gây ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy. Đối với Nghệ An, những khó khăn đó là gì?
Đại tá Dương Hồng Hải: Địa bàn biên giới trên bộ giữa tỉnh Nghệ An với các tỉnh của nước bạn Lào dài 468,281 km, trải dài trên 27 xã biên giới tiếp giáp với 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay của nước bạn Lào; có 1 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính, 3 cửa khẩu phụ và 4 lối mở; rừng núi hiểm trở, đời sống nhân dân ở khu vực biên giới còn gặp nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí, nhận thức hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Nhân dân hai bên biên giới có mối quan hệ gắn kết từ lâu đời nên việc đi lại, thăm thân trao đổi mua bán hàng hóa diễn ra thường xuyên. Tội phạm ma túy thường lợi dụng các mối quan hệ dân tộc, dòng họ trong cộng đồng nhân dân khu vực biên giới để vận chuyển trái phép chất ma túy vào Việt Nam, móc nối với các đối tượng ở khu vực biên giới ở nội địa để hình thành các đường dây vận chuyển đi các địa bàn khác tiêu thụ với phương thức thủ đoạn thay đổi ngày càng tinh vi, liều lĩnh và manh động, tập trung chủ yếu ở địa bàn các xã biên giới.
Ngoài ra, trên tuyến biên giới biển của tỉnh cũng có bờ biển dài 82 km với 34 xã, phường biên giới và các hệ thống cảng biển, cửa lạch… là những yếu tố khiến tội phạm ma túy lợi dụng để hoạt động.
Bên cạnh đó, khu vực biên giới tỉnh Nghệ An tiếp giáp với nước bạn Lào nằm ở gần với khu vực “Tam giác vàng”, là một trong những trung tâm phân phối ma túy lớn của thế giới và khu vực, các đối tượng sẵn sàng cung ứng lượng ma túy lớn thẩm lậu vào địa bàn khu vực biên giới tỉnh Nghệ An, gây ra nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh ngăn chặn của các lực lượng chức năng.
PV: Ngoài các biện pháp nghiệp vụ thì việc phối hợp cùng chính quyền, nhân dân địa phương hai bên biên giới trong phòng chống, trấn áp TPMT cũng là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác này. Đại tá có thể cho biết cụ thể hơn về điều này?
Đại tá Dương Hồng Hải: Chúng tôi luôn xác định công tác phối hợp cùng chính quyền địa phương nhân dân hai bên khu vực biên giới trên địa bàn đóng quân vô cùng quan trọng, là cơ sở trợ giúp đắc lực để lực lượng BĐBP thực hiện nhiệm vụ, trong đó có việc đấu tranh PCTP ma túy. Thực hiện tốt việc phối hợp không chỉ giúp tăng hiệu quả công tác PCMT mà còn giúp lực lượng BĐBP hoàn thành tốt công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Đây là nền tảng vững chắc để giữ yên an ninh chính trị và phát triển kinh tế vùng biên giới.
Cụ thể, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh thường xuyên có những chỉ đạo các đồn biên phòng tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thuộc địa bàn quản lý trong thực hiện các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Trong đó chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật giúp người dân nhận thức đúng và nhận diện rõ những âm mưu, thủ đoạn của các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy để phòng ngừa và tham gia tố giác tội phạm. Bên cạnh đó, phát huy vai trò trách nhiệm của cán bộ biên phòng tăng cường làm bí thư, phó bí thư đảng ủy xã, tăng cường sinh hoạt ở chi bộ thôn, bản yếu kém; triển khai chủ trương cán bộ, chiến sỹ BĐBP phụ trách hộ gia đình trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo (đến nay đã phân công 592 đồng chí giúp đỡ 2.836 hộ gia đình KVBG)…
Ngoài ra, lực lượng BĐBP cũng chủ động thực hiện công tác phối hợp quốc tế trong đấu tranh ngăn chặn TPMT. Ví như qua đợt cao điểm trấn áp TPMT, BĐBP Nghệ An đã tổ chức tuần tra song phương với lực lượng chức năng của nước bạn Lào với 18 đợt/180 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia. Phát huy công tác kết nghĩa bản – bản, kết nghĩa với các đồn Công an Lào trong đấu tranh phòng, chống TPMT trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào; phối hợp với Công an tỉnh Hủa Phăn (Lào) thực hiện 2 chuyên án, trong đó đã đấu tranh thành công 1 chuyên án.
PV: Để tiếp tục phát huy hiệu quả trong đấu tranh PCTP ma túy, thời gian tới Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh sẽ triển khai công tác này như thế nào?
Đại tá Dương Hồng Hải: Trong thời gian qua, các đường dây tội phạm ma túy lớn hoạt động từ Lào về Việt Nam có sự dịch chuyển từ địa bàn các tỉnh miền Bắc vào miền Trung với nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi, đặc biệt thời gian tới nước bạn Lào sẽ trao trả các trường hợp di cư trái phép sang Lào vi phạm pháp luật của bạn, qua công tác nắm tình hình và kết quả đấu tranh của các chuyên án, vụ án trước đây cho thấy trong số trao trả sẽ có một số đối tượng hoạt động liên quan đến tội phạm ma túy. Do vậy, chúng tôi đã chủ động đề ra nhiều biện pháp, nhiệm vụ cụ thể.
Trong đó, tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai lực lượng, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc tình hình hoạt động của các đường dây, đối tượng tội phạm để xây dựng kế hoạch, đề nghị xác lập chuyên án đấu tranh. Thường xuyên tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc về công tác nghiệp vụ cho lực lượng tham gia đánh án để xử lý tốt các tình huống trong đấu tranh với tội phạm ma túy. Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ và thực hiện nghiêm kỷ luật quân đội; kịp thời động viên khen thưởng những tập thể, cá nhân lập thành tích trong thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, lực lượng BĐBP Nghệ An sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp, tích cực tham gia củng cố hệ thống chính trị vùng biên để cùng cấp ủy, chính quyền địa phương giữ yên biên giới, từng bước đẩy lùi các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy.
PV: Cảm ơn Đại tá về cuộc trao đổi này.