Người dân gia cố chân đê trên địa bàn Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu. Clip: Việt Hùng

* Quỳnh Lưu: Hơn 1.000 mét đê biển được gia cố, bảo vệ

 Tuyến đê biển qua địa bàn xã Quỳnh Nghĩa có chiều dài hơn 2 km, trên tuyến có hệ thống cống Cửa Ngâm được chia làm 3 cửa có vai trò tiêu nước từ các con sông đổ về. Hiện nay, đoạn đê sát vị trí cửa cống trên bị sóng đánh xói mòn, nếu bão đổ bộ vào có nguy cơ nước biển tràn qua đê; ảnh hưởng đến hàng chục hộ kinh doanh ăn uống tại bãi biển.

Chiều ngày 18/7, chính quyền địa phương đã huy động hàng chục người dân và máy móc khẩn trương gia cố chân đê tại khu du lịch biển Quỳnh Nghĩa. Dự kiến cuối chiều nay, chiều dài chân đê được đắp kè khoảng 20 mét.

Để ứng phó với các cơn bão gây ra, huyện Quỳnh Lưu đang chỉ đạo các xã vùng biển khẩn trương hoàn thiện việc gia cố, bảo vệ chân đê. Ảnh: Việt Hùng
Xã Quỳnh Long có đê biển sát với khu dân cư, mực nước biển sâu, sóng biển dâng cao, mùa mưa bão năm 2017, trên tuyến đê biển của xã có 5 điểm bị sạt lở với chiều dài 250m các xóm sống gần biển gần như cô lập hoàn toàn.

Theo ông Trần Quang Vệ - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Long, để chủ động phòng chống bão lũ, hiện địa phương đã hoàn thành phương án tạm thời là đóng cọc tre, đổ bao đất đá ngăn chặn nước biển dâng với chiều dài 750m đê, khối lượng gần 800mđất đá; đồng thời lên phương án di dời dân khi bão số 3 đổ bộ trực tiếp vào Nghệ An.

Xã Quỳnh Thọ huy động lực lượng đóng cọc, kê đá vào chân đê với chiều dài 350 mét. Ảnh: Việt Hùng.
Đê biển Quỳnh Lưu có tổng chiều dài 3,3 km. Trong cơn bão số 10 năm 2017, mưa to kết hợp thủy triều dâng đã làm sạt lở nhiều diện tích đê biển đoạn qua xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Long và đê ngăn mặn xã Quỳnh Bảng.
Trước mùa mưa bão năm nay, huyện Quỳnh Lưu đã yêu cầu địa phương khảo sát thực trạng, xây dựng phương án phòng chống thiên tai. "Để ứng phó với các cơn bão trong năm 2018, Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai huyện đã yêu cầu các địa phương đẩy nhanh các hạng mục gia cố đê biển, đê ngăn mặn tránh thủy triều dâng, chủ động phương án “4 tại chỗ”; di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản " - ông Đặng Ngọc Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết.
 
Việt Hùng

* Yên Thành triển khai phương án bảo vệ hồ đập, hệ thống kênh tiêu thoát lũ  

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 đang đổ bộ vào đất liền, lãnh đạo huyện và BCH PCLB huyện Yên Thành đã trực tiếp đi kiểm tra các công trình hồ đập, hệ thống kênh tiêu thoát lũ ách yếu để có phương án đối phó với mưa bão.

Lãnh đạo huyện Yên Thành kiểm tra tại đập Đồn Húng. Ảnh: Thái Dương
Tại đập chứa nước Đồn Húng nằm trên địa bàn 2 xã miền núi Hùng Thành, Lăng Thành có trữ lượng 3,8 triệu m3nước, do xây dựng từ năm 1973, đến nay nhiều hạng mục đã xuống nghiêm trọng. Thân đập có chiều dài gần 1km đã xuất hiện rò rỉ, sụt lún, có nguy cơ vỡ đập khi có mưa lớn kéo dài.

Mặc dù thời điểm hiện tại mực nước mới ở mức 1/3 dung tích chứa, tràn phụ thoát lũ vừa được mở rộng nhưng để tránh nguy cơ vỡ đập khi có mưa lớn, lãnh đạo huyện đã yêu cầu đơn vị chủ quản là Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An cùng với địa phương khẩn trương triển khai các phương án phòng chống lụt bão, nhằm bảo vệ công trình và đảm bảo an toàn cho gần 700 hộ dân ở vùng hạ du; Kiểm tra các hệ thống kênh tiêu chính như: kênh Vếch Bắc, Vếch Nam, kênh tiêu Biên Hòa...

Người dân xóm Phú Tập, xã Khánh Thành kê tài sản, sẵn sàng đối phó với lũ tràn về. Ảnh: Thái Dương
Ngoài ra, BCH PCLB huyện đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và 39 xã, thị trấn triển khai ngay phương án PCLB theo phương châm “4 tại chỗ”; hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, kho tàng, cơ quan công sở, trường học và chặt tỉa cây cối. Đồng thời rà soát dân cư tại những vùng thấp trũng có nguy cơ ngập lụt, vùng ven sông, hồ đập và các công trình thủy lợi xuống cấp; sẵn sàng phương án di dân đến nơi an toàn, nhằm hạn chế mức thấp nhất những thiệt hại do bão lũ gây ra.
Thái Dương

Cống Diễn Thành (Diễn Châu) vận hành chống ngập úng sau 2 năm thi công

Để bảo vệ gần 13.000 ha cây trồng và diện tích nuôi trồng thủy sản, cùng với tích cực khơi thông dòng chảy, tiêu nước qua 30 cống tiêu, ngày 18/7, huyện Diễn châu đã tiến hành phá 2 đê quai ngăn nước và đưa vào vận hành cống Diễn Thành để tiêu nước sau 2 năm thi công.

Các ngành chức năng kiểm tra trước khi đưa cống Diễn Thành vào vận hành. Ảnh: Mai Giang
Cống Diễn Thành được khởi công xây dựng đầu năm 2017 với mức đầu tư 110 tỷ đồng, thuộc dự án JICA tài trợ. Cống có vai trò quan trọng trong việc tiêu úng cho hàng chục nghìn ha lúa của 2 huyện Diễn Châu và Yên Thành. Việc đưa cống vào vận hành góp phần rất lớn trong việc hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra.
Ngày 18/7, cống Diễn Thành đã mở cửa tiêu nước trên sông Bùng. Ảnh: Mai Giang

Được biết bắt đầu từ trưa 18/7, Diễn Châu di dời 745 hộ dân vùng xung yếu thuộc 5 xã ven biển (Diễn Thành, Diễn Kim, Diễn Hải, Diễn Thịnh, Diễn Trung).

Mai Giang

Kiểm tra hệ thống đập ở Tân Kỳ

Chiều 18/7, đồng chí Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra tình hình cơn bão số 3 trên địa bàn.  Tại xã Kỳ Tân, đoàn đã kiểm tra các phương án ứng phó với cơn bão số 3 và tình hình sản xuất của địa phương. Theo báo cáo của xã, vụ hè thu năm nay bà con gieo cấy hơn 170 ha lúa, hiện một số diện tích lúa vùng trũng bị ngập; 3 ha ngô chưa thu hoạch đang bị chìm trong nước.

Tại xã Tân Hương, đoàn đã đến kiểm tra tại đập Lành Ngạnh, đợt mưa to vừa qua đã làm thân đập bị sạt lở với chiều dài khoảng 20m .

Lãnh đạo huyện Tân Kỳ kiểm tra thân đập bị sạt lở tại xã Tân Hương. Ảnh: Trọng Hùng
Sau khi kiểm tra tại cơ sở, đồng chí Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ yêu cầu các địa phương chú trọng phương án 4 tại chỗ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về diễn biến mới nhất của bão số 3 tới người dân; đề nghị các xã chuẩn bị các bao tải cát, cọc tre chuẩn bị ứng phó với bão. Cắt cử người túc trực thường xuyên để báo cáo và có những tình huống xử lý kịp thời, phải có phương án khắc phục sau cơn bão đi qua kịp thời và hiệu quả.