Trong thời gian này, lưu lượng nước vào hệ thống kênh chính Đô Lương sẽ bị ảnh hưởng, giảm từ 50-70%, gây khô hạn cho các huyện sử dụng nước hệ thống Thủy lợi Bắc, với diện tích khoảng 20.000 ha lúa đã gieo cấy đồng thời khó khăn cho diện tích lúa đang và chuẩn bị gieo cấy.
Để diện tích lúa sinh trưởng và phát triển cũng như đảm bảo kế hoạch gieo cấy trong hệ thống, đề nghị UBND các huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An chuẩn bị các phương án chống hạn của vùng tự chảy, lấy nước từ kênh chính và các kênh nhánh, tận dụng mọi nguồn nước trong thời gian gian khắc phục sự cố nói trên.
Về tình hình khắc phục sự cố, hôm nay 8/6, đơn vị thi công đã huy động 3 máy múc hoạt động liên tục để dồn và múc đá hộc vào vị trí khoang số 10 và 11. Mặc dù thời tiết rất nóng bức, nhưng việc thi công diễn ra rất khẩn trương.
Qua quan sát, nước ở Sông Lam cuộn chảy qua đoạn đập bị vỡ rất mạnh, việc thi công được quan tâm đặc biệt nhằm đảm bảo an toàn về người và phương tiện.
Đại diện đơn vị thi công cho biết, đến đầu giờ chiều nay, việc đổ đá ngăn đoạn thân đập bị vỡ đã đạt 50%, sau 3 ngày nữa sẽ hoàn thành việc khắc phục, nhằm đảm bảo đủ nguồn nước dẫn về kênh Đào, cung cấp nước cho các huyện: Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu.
Một diễn biến khác, tối hôm qua, vào khoảng 22 giờ, trạm bơm dã chiến của Trạm cấp nước Đô Lương được lắp đặt kịp thời nên trên 7.800 hộ dân đã được cấp nước trở lại. Mực nước sông Đào cũng đã dâng lên đáng kể do việc ngăn đắp đập tại vị trí bị vỡ được thu hẹp.
Riêng kênh nước Vòm Cóc đoạn qua xã Nam Sơn đang khô cạn nước sau sự cố vỡ đập. Đây là tuyến kênh vừa cung cấp nước, vừa là hệ thống đường thủy đi vòng qua đập Bara Đô Lương để tiếp tục lưu thông trên sông Lam.