Sáng 20/1, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có 63 điểm cầu tỉnh, thành trong cả nước.
Covid-19 sắp cán mốc 100 triệu người mắc
Theo Bộ Y tế: Thế giới hiện ghi nhận 96.080.360 ca và 2.051.488 trường hợp tử vong do Covid-19 tại 220 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng số bệnh nhân Covid-19 hồi phục là 68.749.729 và còn 25.328.747 bệnh nhân đang điều trị, trong đó, 111.847 trường hợp bệnh nặng hoặc nguy kịch.
Mỹ là quốc gia có số mắc cao nhất thế giới với 24.626.376 trường hợp mắc và 408.620 trường hợp tử vong. Ấn Độ là quốc gia đứng thứ hai thế giới về số trường hợp mắc với 10.582.647 ca nhiễm (152.593 trường hợp tử vong). Tiếp theo là Brazil với 210.328 trường hợp tử vong trong số 8.512.238 ca nhiễm, hiện đang chứng kiến làn sóng dịch bệnh thứ 2 sau khi số ca mắc mới tăng mạnh kể từ tháng 12.
Riêng 2 tuần đầu của tháng 1/2021, thế giới ghi nhận 12,3 triệu ca nhiễm mới (chiếm 13% tổng số mắc từ đầu vụ dịch) và 227.000 ca tử vong (chiếm 11,1%). Dự kiến trong tuần tới sẽ cán mốc 100 triệu người mắc. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, biến thể SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh hồi giữa tháng 12/2020, đến nay đã lây lan ra 50 nước và vùng lãnh thổ. Biến thể được phát hiện tại Nam Phi cũng đã xuất hiện tại 23 nước và vùng lãnh thổ.
Tại châu Âu, các nước đang duy trì các biện pháp quyết liệt nhằm chặn đà lây lan của biến thể vi rút SARS-CoV-2. Khu vực Châu Á, đứng sau Ấn Độ về số trường hợp mắc là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran. Trung Quốc đã áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt đối với thêm gần 3 triệu dân ở tỉnh Cát Lâm sau khi ghi nhận ổ dịch mới siêu lây nhiễm khi một nhân viên tiếp thị nhiễm virus SARS-CoV-2 đã gây lây nhiễm sang cho 102 người khác, trong đó, đa phần là những người trung niên và cao tuổi.
Tại Đông Nam Á, diễn biến dịch bệnh phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước. Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 917.015 trường hợp mắc (26.282 trường hợp tử vong), hiện dịch Covid-19 đã lây lan ra toàn bộ các tỉnh, thành phố của Indonesia. Tiếp theo là Philippines và Malaysia. Tại Singapore, nước này phát hiện 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng ngày 17/1, hình thành chùm ca bệnh mới liên quan tới một nhân viên phụ tá trong lực lượng cảnh sát Singapore.
Nguy cơ từ 500 người/ngày nhập cảnh trái phép
Cũng theo Bộ Y tế, Việt Nam vẫn tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới nhập cảnh vào Việt Nam (được cách ly ngay sau khi nhập cảnh). Đến nay, Việt Nam ghi nhận 1.540 trường hợp mắc (trong đó có 880 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, 660 trường hợp mắc trong nước), 35 trường hợp tử vong.
Riêng 20 ngày đầu của tháng 1/2021, Việt Nam ghi nhận 75 ca nhiễm nhập cảnh (chiếm 8,4% trong tổng số mắc Covid-19 nhập cảnh), tăng thêm 11 ca so với cùng kỳ của tháng 12/2020 (64 ca)... Từ 4/2020 đến nay, Ở Việt Nam đã có 366 chuyến bay với tổng số 74.944 người nhập cảnh, trong đó có 584 người dương tính trên 122 chuyến bay.
Đến nay, trên cả nước hiện đang cách ly 18.008 người, trong đó, cách ly tại cơ sở y tế 121 người; tại khu cách ly tập trung là 16.663 người và tại nhà/nơi lưu trú là 1.224 người. Các cơ sở cách ly do quân đội quản lý hiện đang cách ly 4.757 người tại 54 điểm cách ly.
Theo số liệu của Bộ Công an, trong năm 2020, cả nước phát hiện có 177 người nước ngoài (167 Trung Quốc, 8 Campuchia, 1 Canada, 1 New Zealand) và 1.843 công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép qua biên giới đường bộ đã và đang được cách ly, xử lý.
Thời điểm này, một số nước trong khu vực vẫn mở các chuyến bay thương mại. Người Việt Nam từ nước ngoài đã trở về bằng các chuyến bay này rồi theo đường bộ về Việt Nam, dù cho Ban Chỉ đạo Quốc gia đã cảnh báo mọi người dân cần đi theo đường chính ngạch để được cách ly y tế phòng bệnh.
Việc vượt biên trái phép, nhập cảnh trái phép vẫn đang diễn ra. Có những thời điểm lên tới 500 người/ngày. Ở khu vực biên giới, Việt Nam đã tăng quân, giám sát, ngăn chặn một cách tối đa song đường biên giới rất rộng lớn. Nhiều khu vực không có núi, sông ngòi che chắn. Qua việc theo dõi, giám sát, chúng tôi nhận thấy tất cả các trường hợp vượt biên, nhập cảnh trái phép đều có sự liên kết với bên trong nội địa qua các đường dây, đối tượng, nhà xe hám lợi. Các đối tượng này né tránh cơ quan chức năng bằng cách sử dụng mạng xã hội để trao đổi, liên lạc.
"Chúng tôi đã bóc tách và phát hiện một loạt nhà xe nhận chở khách từ khu vực biên giới trốn cách ly vào nước ta. Chúng tôi sẽ gửi danh sách này cho các tỉnh, thành phố để bóc gỡ, triệt phá các đường dây, nhà xe, xử lý nghiêm, hạn chế việc xâm nhập trái phép" - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ.
Phát động cao điểm toàn dân cùng chống dịch
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã biểu dương các lực lượng, địa phương đã tích cực, thực hiện tốt công tác ngăn chặn người nhập cảnh trái phép, cách ly phòng bệnh, tuyên truyền, vận động người dân chống dịch.
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị: Các địa phương, ban, ngành cần tích cực thực hiện các chỉ thị, công điện của Ban Bí thư, Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy; huy động toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội cùng vào cuộc chống dịch; luôn trong tinh thần sẵn sàng ứng phó với dịch, thần tốc dập dịch, đưa mầm bệnh ra khỏi cộng đồng; tăng cường năng lực xét nghiệm, hiệu quả điều trị Covid-19.
Bên cạnh đó, các địa phương cần phát động đợt cao điểm phòng, chống dịch, phong trào toàn dân phát giác, báo cáo trường hợp nhập cảnh trái phép, từ ở nước ngoài trở về trốn cách ly. Tổ chức cho các gia đình có người thân đang ở nước ngoài ký cam kết không nhận người từ nước ngoài về mà không cách ly. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người đang ở nước ngoài không nghe theo các đường dây đưa đón người về nước trái phép.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nêu rõ: Thời gian qua Việt Nam đã thực hiện tốt công tác cách ly y tế phòng bệnh. Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn có sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các lực lượng, không tuân thủ đúng quy trình cách ly.
Đảm bảo tốt hơn công tác cách ly, Chính phủ đã chỉ đạo, tất cả các trường hợp từ nước ngoài trở về đều phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày, không còn cách ly ngắn ngày, trừ các trường hợp đặc biệt do Bộ Ngoại giao xem xét quyết định. Tuy nhiên, nếu các địa phương thấy nơi cách ly của các trường hợp đặc biệt này không đảm bảo thì có thể yêu cầu cách ly tập trung.
Các địa phương cần tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh để khu cách ly đảm bảo tốt hoạt động chuyên môn. Người cách ly trong khách sạn phải được camera theo dõi 24/24h. Các địa phương cần đảm bảo tốt chế độ, tạo điều kiện cho người dân được đón Tết an lành trong khu cách ly./.