Lượng khách đến đền, chùa giảm
Nếu như những ngày đầu năm Tân Sửu, người dân và du khách đến du Xuân và cầu an ở các đền, chùa trên địa bàn Nghệ An vẫn thờ ơ với khuyến cáo “5K” thì đến hôm nay (mùng 7 tháng Giêng) tình hình đã có chuyển biến tích cực. Phần lớn mọi người đã thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang và các điểm di tích lịch sử cũng triển khai các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Buổi sáng, khuôn viên di tích đền Hồng Sơn (thành phố Vinh) khá vắng vẻ, chỉ lác đác ít người mang lễ vật đến làm lễ cầu an. Những bàn viết sớ cũng thưa vắng, ít người qua lại. Những năm trước, vào thời điểm này, đền luôn trong cảnh chật ních người ở gần xa đến du ngoạn, chiêm bái và hành lễ từ sáng đến tối.
“Năm nào cũng vậy, vào mùng 6 hay mùng 7 tháng Giêng Âm lịch, tôi thường cùng các con, cháu đến đền làm lễ cầu an, giải hạn để năm mới có nhiều sức khỏe, làm ăn phát đạt. Năm nay dịch bệnh phức tạp, Nhà nước khuyến cáo không tụ tập đông người nên tôi chỉ đi một mình”.
Tại đền thờ Hoàng đế Quang Trung, dù giữa buổi sáng nhưng lượng du khách cũng rất ít. Hầu hết mọi người đến dâng hương, dâng lễ tại đền đều có ý thức phòng dịch, chấp hành quy định rửa tay sát khuẩn và thường xuyên đeo khẩu trang.
“Xưa nay, đầu năm tôi thường rủ bạn bè lên đền cầu an, cầu lộc nhưng năm nay do dịch bệnh, thực hiện khuyến cáo không tập trung đông người nên không rủ nhóm bạn đi cùng. Dịch bệnh đang phức tạp nên tôi luôn đeo khẩu trang, tránh nơi đông người để hạn chế nguy cơ lây nhiễm”.
Tại nhiều đền, chùa khác trên địa bàn Nghệ An, trong đó có những đền, chùa có lượng du khách ghé thăm dịp đầu năm nhiều như đền Cờn (thị xã Hoàng Mai), đền Quả Sơn (Đô Lương), đền Cuông (Diễn Châu), đền Bạch Mã (Thanh Chương), đền – chùa Gám (Yên Thành)… Đầu Xuân năm nay số lượng khách cũng giảm rõ rệt. Điều này cho thấy người dân đã có ý thức trong việc phòng, chống dịch Covid-19, nhất là thực hiện khuyến cáo không tập trung đông người.
Kịp thời chấn chỉnh, thực hiện biện pháp phòng, chống dịch
Cùng với việc ý thức của nhân dân và du khách được nâng cao, Ban Quản lý các đền, chùa và di tích lịch sử cũng đã thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch ở các mức độ khác nhau. Chẳng hạn, ở đền Hồng Sơn, Ban Quản lý đặt tấm biển nhắc nhở phía trước sân đền để nhắc nhở du khách đeo khẩu trang thường xuyên. Ở đền thờ Hoàng đế Quang Trung đã bố trí điểm rửa tay sát khuẩn ở cổng ra, vào.
Hay như ở chùa Cần Linh, các phật tử và du khách bước vào cổng nếu không đeo khẩu trang sẽ có người nhắc nhở. Lúc chuẩn bị làm lễ khai bút, cầu an, các sư thầy cũng nhắc nhở tất cả mọi người đeo khẩu trang để phòng, chống nguy cơ lây lan dịch Covid-19.
Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch bệnh được Ban Quản lý đền Ông Hoàng Mười(Hưng Nguyên) và chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc, bài bản. So với những năm trước, năm nay lượng người đến đền Ông Hoàng Mười dịp đầu Xuân năm mới cũng giảm nhiều.
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, Ban Quản lý đền Ông Hoàng Mười phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền trên loa phát thanh, bố trí chốt kiểm dịch tại cổng ra, vào. Tất cả người vào khu vực đền đều được kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và bắt buộc phải đeo khẩu trang.
Theo đại diện Ban Quản lý đền, du khách đến chiêm bái, dâng lễ, cầu an đến từ nhiều địa phương, trong đó có cả khách đến từ các tỉnh lân cận nên công tác phòng, chống dịch luôn được quan tâm hàng đầu. Qua đó, ý thức của nhân dân và du khách cũng được nâng cao, phần lớn mọi người đều chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh.
“Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Sở Du lịch đã tổ chức đoàn công tác tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các di tích lịch sử và điểm tham quan du lịch trên địa bàn. Qua đó, phát hiện một số điểm còn lơ là, người dân và du khách vẫn còn chủ quan, nhiều người không đeo khẩu trang phòng dịch. Chúng tôi đã trao đổi, yêu cầu các địa phương tiến hành kiểm tra, nhắc nhở và kịp thời chấn chỉnh, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch”.