Tại đảo Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, đoàn công tác gồm: Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân và lãnh đạo 10 tỉnh phía Nam cùng 24 cơ quan báo chí đã đến thăm, tặng quà các đơn vị Trạm Ra đa 615 thuộc Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân; Đồn Biên Phòng 704/Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau và Trạm Hải đăng Hòn Chuối thuộc Bộ Giao thông vận tải.

Đoàn công tác tặng quà, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ trên đảo Hòn Chuối. Ảnh: Phan Hải

Đảo Hòn Chuối là một trong những đảo tiền tiêu quan trọng phía Tây Nam của Tổ quốc. Địa hình đảo rất phức tạp, độ dốc cao, điều kiện khí hậu rất khắc nghiệt, mưa ít, nắng nhiều với hai mùa gió rõ rệt. Hòn Chuối là đảo có người dân sinh sống. Hiện nay, trên đảo có 1 tổ nhân dân tự quản với 68 hộ dân và hơn 202 nhân khẩu. Người dân trên đảo sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi cá lồng và đánh bắt thủy hải sản. Trên đảo còn có 3 đơn vị quân đội và dân sự đứng chân.

Lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối. Ảnh: Thành Cường

Đảo nằm không xa đất liền, tuy nhiên, điều kiện sinh hoạt, đi lại của quân và dân trên đảo còn rất nhiều khó khăn. Hiện nay, trên đảo Hòn Chuối chưa có trạm y tế và hệ thống trường học quốc gia. Để trẻ em trên đảo được học tập, tổ nhân dân tự quản đã phối hợp với Đồn Biên phòng 704 và Trạm Ra đa 615 mở một lớp học tình thương do đồng chí Thiếu tá Trần Bình Phục - Đội phó Đội công tác vận động quần chúng Đồn Biên phòng Hòn Chuối đứng lớp. Hiện nay, lớp học tình thương có 21 học sinh từ lớp 1 đến lớp 7. Điểm trường hiện đã được công nhận là một tổ chức giáo dục trong hệ thống giáo dục của thị trấn Sông Đốc.

Tiếp đến, Đoàn đã đến thăm đảo Hòn Khoai nằm ở phía Đông Nam mũi Cà Mau thuộc địa bàn xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Hòn Khoai nằm trong cụm đảo Hòn Khoai gồm các đảo nhỏ: Hòn Khoai (còn gọi là hòn Độc Lập), Hòn Giáng Tiên, Hòn Sao, Hòn Tượng, Hòn Đồi Mồi và Hòn Đá Lẻ.

Đoàn công tác tặng quà các lực lượng đóng quân trên đảo Hòn Khoai. Ảnh: Phan Hải

Hòn Khoai là đảo có điều kiện tự nhiên rất phong phú, đồng thời có vị trí quan trọng về quốc phòng an ninh. Nơi đây được ví như một trạm tiền tiêu canh giữ vùng trời, vùng biển và dải đất phía Tây Nam của Tổ quốc. Hòn Khoai không chỉ được biết đến với phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, đa dạng. Mà còn nổi tiếng với Cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai của anh hùng liệt sĩ, thầy giáo Phan Ngọc Hiển trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nơi đây còn có ngọn hải đăng gần 100 tuổi được xây dựng từ thời Pháp thuộc.

Hiện nay, đứng chân trên đảo có các lực lượng: Trạm Ra đa 595 thuộc Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân; Đồn Biên phòng 700 thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau; Trạm Hải đăng Hòn Khoai thuộc Bộ Giao thông vận tải và Hạt Kiểm lâm Hòn Khoai thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau; Tiểu đoàn 887 thuộc Lữ đoàn Công binh 83, Quân chủng Hải quân đang xây dựng công trình cho Trạm.

Thăm và tặng quà, chúc Tết các cán bộ, chiến sĩ trên đảo, Đoàn công tác gửi lời chúc mừng năm mới. Chúc cán bộ chiến sĩ sức khỏe, luôn vững vàng nơi tiền tiêu của Tổ quốc.

Đảo Thổ Chu thuộc xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Thành Cường

Tại đảo Thổ Chu, đoàn công tác đã đến dâng hương tại đền Thổ Châu. Tại đây, đoàn đã tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh trong cuộc tiến công giải phóng và bảo vệ đảo Thổ Chu. Đoàn cũng dành phút tưởng niệm những đồng bào vô tội bị quân Khơ-me đỏ sát hại.

Đoàn công tác dâng hương tại đền Thổ Châu. Ảnh: Thành Cường

Đồng chí Đại tá Lục Đức Tiên - Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Trưởng đoàn công tác dâng hương lên anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Thành Cường

Đảo Thổ Chu là hòn đảo tiền tiêu phía Tây Nam của Tổ quốc, đảo có diện tích khoảng 14 km2, là đảo lớn nhất trong 8 hòn đảo thuộc quần đảo Thổ Chu. Hiện nay, đảo Thổ Chu là đơn vị hành chính thuộc xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Năm 1993, tỉnh Kiên Giang đưa 17 hộ dân đầu tiên ra đảo. Đến nay, xã đảo đã có hơn 541 hộ dân với hơn 1.869 nhân khẩu. Người dân trên đảo sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản và dịch vụ du lịch. Ngoài cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, trên đảo còn có các đơn vị dân sự và quân đội đứng chân như: Trạm ra đa 610 thuộc Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân; Trạm Hải đăng thuộc Bộ Giao thông vận tải; Đài Khí tượng thủy văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Trung đoàn 152-Quân khu 9; Đồn Biên phòng Thổ Châu thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang; Lữ đoàn 25 CB - Quân khu 9; Trạm Cảnh sát biển thuộc Cảnh sát biển Vùng 4 và các đơn vị trực thuộc Quân khu 9.

Chiến sĩ Trung đoàn 152 tăng gia sản xuất. Ảnh: Thành Cường

Do cách xa đất liền, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, điều kiện cuộc sống, sinh hoạt và đi lại của nhân dân cũng như các lực lượng trên đảo vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Mặc dù vậy, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố phía Nam, cuộc sống sinh hoạt, công tác của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Thổ Chu đang ngày càng đổi mới và phát triển với nhiều công trình an sinh xã hội, thiết chế văn hóa khang trang, kiên cố. Tại đảo đã được đầu tư xây dựng các công trình như: hệ thống lưới điện, trạm y tế, bưu điện, trường mầm non, trường cấp 1, 2, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và cán bộ, chiến sĩ cùng hơn 500 đồng bào bị quân Khơ-me đỏ sát hại…

Đoàn công tác tặng quà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo Thổ Chu. Ảnh: Phan Hải

Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội và các địa phương đã góp phần làm thay đổi diện mạo, đời sống trên đảo. Qua đó động viên quân và dân đảo Thổ Chu khắc phục mọi khó khăn, xây dựng xã đảo giàu mạnh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.