Sáng nay (23/5), Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội cũng như các giải pháp, phương hướng để thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội năm 2014.
Ghi nhận Chính phủ đã làm rất tốt nhiều việc thời gian qua, với 11/15 chỉ tiêu KT - XH hoàn thành kế hoạch - tại Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH năm 2013 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển KT - XH năm 2014 mà Chính phủ trình bày trước Quốc hội. Song, đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (TP. Hải Phòng) cũng chỉ ra còn 2 chỉ tiêu lớn chưa hoàn thành, đó là bội chi ngân sách và chỉ tiêu giảm nghèo. Việc giảm nghèo thời gian qua Chính phủ đã có rất nhiều giải pháp nhưng vẫn không đạt chỉ tiêu. Chính phủ cần phân tích thật cụ thể, tại sao chỉ tiêu lại không đạt và phải có những giải pháp khắc phục bằng được những khó khăn, vướng mắc này.
Quan tâm đặc biệt tới công tác xóa đói giảm nghèo và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, các dự án đầu tư công - cũng là quan điểm của nhiều đại biểu Quốc hội. Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Vũ Công Tiến, bên cạnh phát huy nội lực của tỉnh, cũng cần có sự quan tâm của Nhà nước để thực hiện các dự án bằng nhiều biện pháp hữu hiệu, thiết thực, đẩy nhanh tiến độ để khai thác, sử dụng, vận chuyển, mua bán sinh hoạt của người dân địa phương trong các tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh. Hạ tầng thủy lợi cũng là vấn đề hết sức quan trọng. Vừa rồi trung ương có đầu tư cho tỉnh nhưng ở chừng mực nào đó. Thứ ba là việc quan tâm đầu tư cho giảm nghèo nhanh và bền vững ở tất cả các địa phương, tạo điều kiện cần thiết để đồng bào vươn lên thoát nghèo.
Cụ thể hơn, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trương Văn Vở khẳng định, nền kinh tế đã phục hồi nhưng chưa vững chắc. Một trong ba điểm nghẽn cần tháo gỡ để phát triển KT - XH là cải cách mạnh mẽ hơn nữa các thể chế, trong đó có lĩnh vực hành chính công và chi tiêu công. Trong lĩnh vực đầu tư công, Theo đại biểu Trương Văn Vở, điều quan trọng là phải tính toán lại, phải điều chỉnh sửa đổi thậm chí cần ban hành mới hệ thống luật cho đồng bộ liên quan đến đầu tư công.
Bên cạnh việc quan tâm đến những chính sách giảm nghèo một cách thiết thực hơn, mới hơn đối với tình hình thực tế hiện nay, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Lê Thị Tám cho rằng, cần đặc biệt quan tâm, hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phục vụ nông nghiệp. Cần có những chính sách để các doanh nghiệp đứng vững và phát triển tốt hơn nữa, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ đã đề cập đến các hoạt động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền nước ta trên biển Đông, nếu không được khắc phục sẽ tác động tiêu cực đến xu hướng phục hồi của nền kinh tế, đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu, thu chi ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến việc làm, đời sống nhân dân và trật tự an toàn xã hội...
Nhiều đại biểu cũng đặc biệt nhấn mạnh đến các giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp và nền kinh tế phải gắn với tình hình hiện tại của đất nước. Theo đó, cần chủ động các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng chủ động các nguồn nguyên liệu phục vụ cho đầu tư sản xuất sản phẩm; hỗ trợ thị trường với các chương trình Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, giảm và tránh tối đa sự phụ thuộc từ bên ngoài.
Đại biểu Phạm Quang Nghị (TP. Hà Nội) đánh giá, đây là nội dung thảo luận rất quan trọng.
Nhìn chung, cơ bản các đại biểu tán thành báo cáo đánh giá về kết quả kinh tế xã hội năm 2013 và những tháng đầu năm 2014 của Chính phủ. Tuy nhiên, dù nền kinh tế có chuyển biến, các đại biểu cho rằng còn chậm, còn nhiều tồn tại cần tập trung giải quyết trong các tháng cuối năm.
Đại biểu Trịnh Thế Khiết (TP. Hà Nội) cho rằng, kết quả năm 2013 là cố gắng rất lớn của cả nước khi mà 10 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 3 chỉ tiêu xấp xỉ đạt trong đó có chỉ tiêu GDP 5,3% so với chỉ tiêu 5,5%.
“Kinh tế dù có xu hướng phục hồi, nhưng vẫn còn khó khăn, như là chính sách chậm đi vào cuộc sống (ví dụ như gói 30.000 tỷ đồng, nguồn hấp thụ rất chậm), cải cách hành chính còn tồn tại nhiều vấn đề” - đại biểu Trịnh Thế Khiết nói và đánh giá, cơ chế chính sách thuế hiện thiếu phù hợp, đánh thuế sản xuất cao, trong khi đáng lẽ phải đánh thuế ở phần hoạt động. Ví dụ như sản phẩm ô tô, đánh thuế khâu sản xuất cao, nhưng đáng lẽ quá trình xe vận hành như phí, lệ phí, xăng, phải thu ở phần này. Cách điều chỉnh quản lý thuế còn hạn chế.
Đại biểu đề nghị một số giải pháp ổn định vĩ mô bằng quản lý chặt chẽ nguồn vốn từ ngân sách. Nếu nguồn ngân sách cấp ra chủ yếu là đầu tư xây dựng và được quản chặt thì hạn chế thất thoát, hạn chế rủi ro. Tập trung các điều kiện thu nợ cũ, nợ thuế tồn đọng rất lớn. Cần cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết trong quá trình thực hiện đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài.
Với doanh nghiệp, đại biểu Khiết nhấn mạnh, cần tổ chức cổ phần hóa sớm, DNNN còn nhiều. Hàng giả, hàng kém chất lượng còn nhiều, như phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật… Với ngành lúa gạo, cần hỗ trợ có chiến lược lâu dài, chứ không nên hỗ trợ mùa vụ như hiện tại. Quốc hội yêu cầu người nông dân có lãi 30%, nhưng vẫn chưa đạt được.
Đại biểu Bùi Thị An nhận xét, chưa bao giờ đất nước chúng ta trải qua giai đoạn khó khăn như hiện nay. Bà đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ để giữ được ổn định kinh tế, ổn định xã hội. Quản lý nhà nước nhiều ngành có sự chuyển biến nhanh. Chuyến biến rõ rệt là giao thông, đây là ngành có nhiều tồn đọng kéo dài nhiều năm, nhưng ngành đã chuyển biến công khai minh bạch, nhanh nhạy hơn. Ví dụ như đình chỉ dự án chậm tiến bộ, kỷ luật cán bộ vi phạm, công khai danh tính trước đây chỉ nội bộ, xử lý tình hướng nhanh nhạy…
Bà An cho rằng, Chính phủ nên chuẩn lại các số liệu, nợ xấu thực chất là bao nhiêu, rồi nợ công, sở hữu chéo... Đây là các yếu tố làm nền kinh tế kém bền vững. Cần phân tích rõ nguyên nhân hơn, đặc biệt trong đánh giá về quản lý của cơ quan nhà nước.
Tái cấu trúc một số ngành rất mạnh, nhưng nhiều DNNN gần như phá sản thì tái như thế nào để tiền thuế của dân không bị thiệt, vì nhiều DN trong diện tái cấu trúc nợ rất nhiều. Cần minh bạch chuyện tái cấu trúc này để tham khảo cộng đồng.
Cũng trong buổi sáng, các đại biểu còn thảo luận về quyết toán ngân sách năm 2012.
Chiều nay, các đại biểu họp tại Hội trường, nghe Chính phủ báo cáo về Dự án Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh cũng như nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu báo cáo thẩm tra.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn/daibieunhandan.vn